CƠ BẢN VỀ CÁC TƯ THẾ THĂNG BẰNG TAY TRONG YOGA
Chúng ta thấy rằng các tư thế Ngả Sau trong Yoga là cực kỳ ăn ảnh, nhưng có lẽ các loại tư thế Thăng Bằng Tay mới gọi là khiến người khác phải ngước nhìn. Đa phần tư thế thăng bằng tay trong Yoga là khó do các lý do sau:
Thứ nhất, phải làm được hình tư thế, và thứ hai, phải nâng được cái hình dáng đó lên khỏi mặt đất chỉ trụ trên hai tay. Vì vậy, những người tập Yoga làm được các tư thế thăng bằng tay thường là đã luyện tập lâu, có đủ sức khỏe và độ dẻo dai để đạt được tư thế.
Cũng như các họ tư thế khác, có những cơ địa, những cơ thể dễ vào thăng bằng tay khi tập Yoga hơn. Ví dụ như nam giới thường dễ vào tư thế thăng bằng tay hơn. Do đặc trưng cơ thể của họ là hông nhỏ so với tỉ lệ cơ thể, điểm trọng tâm của cơ thể của họ nằm cao hơn, đâu đó trên phía rốn. Còn ở các chị em phụ nữ thì đặc trưng cơ thể là hông lớn so với cơ thể nên trọng tâm của cơ thể nằm thấp hơn, ở hông. Ngoài ra thì nam giới cũng thường có vai rộng và khỏe hơn phụ nữ.
Quả thật thăng bằng tay là một cảnh giới khác của các tư thế Yoga, nếu trông thấy ai thực hành các tư thế thăng bằng tay thì tôi hiểu rằng họ đã ¨khổ luyện¨ Yoga đây!
Hai khớp lớn nhất trên cơ thể là hông và vai. Có thể dễ hiểu vì sao khớp hông của con người lớn nhất, và các xương và cơ liên quan tới khớp hông cũng rất lớn so với các bộ phận khác của cơ thể. Đó là để chúng ta có thể đứng thẳng bằng hai chân. Các loài động vật bò bốn chân thì không có hông lớn như vậy so với khớp ¨vai¨ của chúng. Khi thăng bằng tay, chúng ta phải trụ trên khớp vai nên vị trí khớp vai rất quan trọng, cần ổn định, đồng nghĩa với việc các cơ xung quanh khớp vai hoạt động đồng đều.
Đa phần chúng ta không dùng tay chống đỡ cơ thể nhiều, nhưng trong Yoga khi đã khá quen thuộc với các tư thế chống tay như Plank và Tấm Ván Nghiêng, Chó Úp Mặt - Chó Ngửa Mặt, Chaturanga Dandasana, thì chúng ta có thể dần tiền tới các tư thế thăng bằng tay rồi!
Đặc biệt, vị trí tay và vai trong Chaturanga Dandasana là nền tảng của nhiều tư thế thăng bằng tay trong Yoga. Chính vì vậy, nên chú ý kỹ và tập ổn định khớp vai trong tư thế Chaturanga.
Tôi sẽ giới thiệu các cách tập thăng bằng tay cho người mới bắt đầu tập Yoga, có thể dùng block, tường, hoặc bạn tập cùng để hỗ trợ. Tuy nhiên, do đặc thù tư thế khó, nhiều tư thế sẽ là ¨được ăn cả, ngã về không¨ - hoặc làm được, hoặc không. Hãy cùng thử xem nhé!
Bắt đầu từ hai tư thế Thăng Bằng tay rất cơ bản trong Yoga: Lolasana và Tolasana.
LOLASANA - TƯ THẾ MẶT DÂY CHUYỀN
Đây là một trong các tư thế thăng bằng tay khá basic trong Yoga, và mọi người đều có thể thử sức.
Ở đây chúng ta chống hai tay xuống sàn và nâng chân rời khỏi sàn, toàn thân nhấc lên và đung đưa như mặt dây chuyền.
Cần rất nhiều sức mạnh cơ bụng, người tập Yoga họ hay gọi là ¨rút bụng¨ để nhấc được chân lên khỏi sàn khi tay chạm sàn. Khi mới tập, bạn có thể chống tay lên block tùy vào chiều cao của block để tạo nhiều không gian hơn, dễ dàng nhấc được chân hơn. Ngoài ra, bạn có thể làm tư thế dễ hơn bằng cách bắt chéo hai chân vào nhau tại cẳng chân hoặc tại bàn chân để chân nọ giúp chân kia cùng lên.
Khi không dùng block, bạn vẫn có thể thực hiện tư thế với mũi chân chạm sàn. Gập bụng sâu, đưa sát đùi về phía bụng để cố gắng đưa đầu gối càng xa khỏi sàn càng tốt. Bạn có thể nhấc từng chân lên một tại đây hoặc dừng lại khi cả hai mũi chân vẫn trên sàn để cảm nhận cơ bụng đang co ngắn lại rất nhiều để giữ được tư thế.
Đối với tôi thì Lolasana là một tư thế Yoga rất cơ bản để tập khi bắt đầu thăng bằng tay, do dễ vào và dễ thoát ra khỏi tư thế, không lo bị ngã, và ai cũng có thể làm được một phần nào đó của tư thế.
TOLASANA - TƯ THẾ CÁI CÂN
Cũng gần giống Mặt Dây Chuyền, tư thế Cái Cân cũng là một tư thế Yoga thăng bằng tay từ vị trí ngồi. Nhưng ở đây, chân xếp thành hình tư thế Hoa Sen. Điều này có thể làm tư thế khó hơn mà cũng có thể là dễ hơn so với Lolasana.
Đối với người thực hiện được tư thế Hoa Sen, kể cả khi phải dùng tay để kéo chân xếp thành Hoa Sen, thì việc nhấc bổng chân lên khỏi sàn dễ dàng hơn do lúc này hai chân đang bó vào nhau. Tuy nhiên với người chưa làm được tư thế Hoa Sen thì đây lại thành một tư thế khó.
Nếu chưa làm được tư thế Hoa Sen, bạn có thể dùng dây tập Yoga để bó buộc hai chân vào nhau trong trạng thái bắt chéo chân. Khi đó bạn chỉ cần nhấc hông lên khỏi sàn thì chân sẽ dễ dàng nhấc theo.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bắt chéo chân và chỉ nhấc hông lên khỏi sàn. Vẫn chạm ngón chân xuống sàn. Đây không hoàn toàn là tư thế Thăng Bằng Tay do ngón chân vẫn trên sàn, nhưng trọng lượng cơ thể dồn chủ yếu vào tay nên là một cách tập luyện tốt để giúp cơ thể quen với việc chống lực hoàn toàn lên tay.
------------------------------------------------------
Cảm ơn bạn đọc đã đọc hết bài! Đọc thêm về các tư thế Thăng Bằng Tay khác trong Yoga:
Cơ bản về Thăng Bằng Tay - Lolasana & Tolasana
Các bước tư thế Con Quạ trong Yoga
Cách làm Titibhasana & Astavakrasana
Eka Pada Kakasana - cách làm Quạ 1 chân trong Yoga
Ganda Bherundasana - Chinstand - Đứng bằng cằm
Eka Pada Koudinyasana 1 và 2 - thăng bằng tay đẹp mắt trong Yoga
Tư thế Quạ Bên trong Yoga
Xem toàn bộ dự án PROP UP: Cách dùng dụng cụ hỗ trợ để tập 10 nhóm tư thế Yoga với 10 CHƯƠNG:
Prop Up! là một dự án Hà My Yoga (Sweden) thực hiện nhằm giúp bạn làm được hơn 80 tư thế Yoga một cách dễ dàng cùng với các dụng cụ đơn giản: block, dây, chăn, gối, tường. Giúp bạn có thể thật sự tận hưởng việc thực hành Yoga!
Bạn thấy bài viết hữu ích? Hãy share về FB của mình nhé!
Comments