Ha My YOGA BLOG | Yoga i Malmö
top of page
Tìm kiếm

Tất cả những thất bại bầm dập trong quá trình mở lớp yoga và mở studio như tôi đã chia sẻ với các bạn, thì cũng được tôi kể hết cho cô bạn N. Lúc này N đang dạy yoga cho một studio lớn nhất thành phố, với số lớp dạy khoảng 8 lớp mỗi tháng. Cô ấy muốn tự mở lớp yoga riêng để có thể thực hành dạy nhiều hơn, tự chủ hơn, thân thiết với học viên hơn, và chắc chắn là để kiếm tiền thêm từ việc dạy yoga rồi.


Vậy là tôi đã dốc hết kinh nghiệm thất bại của mình ra để cho cô ấy tránh hết mấy cái ổ gà mà tôi đã va phải.


Đầu tiên, cô ấy thuê studio của nhà văn hoá thanh niên mà tôi đã từng thuê theo giờ. Cô ấy rất khéo ăn nói nên thậm chí còn làm tốt hơn tôi đó là được để dụng cụ tập yoga trong tủ để đồ ở đó.


Tiếp theo, cô ấy không bán thẻ buổi mà bán luôn trọn vẹn 1 khoá học 8-10 buổi. Học viên mua trọn khoá học và phải theo trọn vẹn cả khoá học.


Và tính ra thì mỗi buổi cũng có giá cao hơn tôi từng làm.


Tôi chia sẻ tất cả các khoá học yoga của bạn N để các học viên cũ của tôi có thể thấy và đăng ký tham gia nếu muốn.


Tóm lại, cô ấy làm tốt hơn tôi rất nhiều. Chỉ sau vài tuần tự mở lớp yoga, bạn đã báo nghỉ ở studio để tập trung chạy lớp riêng.


Nhưng hôm nay bạn N. gặp tôi và đưa ra một vấn đề.


Đó là để tăng doanh thu, bạn order một số thảm yoga, block, chăn, gối ngồi thiền v.v của một nhãn hiệu nổi tiếng ở Thuỵ Điển để bán lại cho học viên.


Khi bạn order để bán lẻ như vậy thì được chiết khấu 30% so với giá bán lẻ mà hãng đưa ra.


Nghe thì có vẻ bạn sẽ lãi 30%. Nhưng không. Vì như tôi đã giải thích ở bài viết yoga business 101, ở Thuỵ Điển thuế VAT là 25%. Cái giá chiết khấu 30% chưa bao gồm thuế. Khi bạn nhập hàng phải trả thêm thuế 25%. Nhưng khi bán ra theo giá mà hãng khuyến nghị thì doanh thu đó sẽ có 25% là thuế VAT. Tóm lại sau khi cộng trừ thì bạn chỉ còn lời khoảng 10% cho mỗi sản phẩm.


Là một doanh nghiệp cá nhân, bạn có khả năng được hoàn thuế, nhưng đó là câu chuyện của sang năm và cũng không hề chắc chắn.


Còn vấn đề nữa đó là hàng tồn. Cô ấy order linh tinh số lượng ít bán thử nhưng đã bay khoảng 1000 euro rồi. Mới bán được 1 cái thảm cho 1 người học viên. Nhưng lại có chuyện trái khoáy đó là 1 người khác quan tâm muốn mua thảm, nhưng thay vì mua ở lớp luôn thì lại về order trên trang web của hãng vì lần order đầu tiên được giảm 10%. Thật ra cũng không thể trách họ được vì thuận mua vừa bán. Mà bạn tôi cũng không thể giảm 10% vì như vậy chẳng lãi đồng nào.


Cô ấy thấy rất nản vì chỉ muốn tăng doanh số nhưng lại ôm rõ lắm gánh nặng và cảm xúc khó ở vào người. Cô ấy nói: “Toàn những đồ đắt tiền, mua về chỉ mong bán được chứ mình có dùng đâu, thậm chí tớ còn chả dám dùng đến cái chăn yoga 50 euro nữa.”


Ý kiến của tôi là cô ấy nên trả lại toàn bộ số hàng còn lại và lấy lại tiền. Ở EU có luật hoàn trả hàng, ít nhất theo luật là tất cả các giao dịch mua hàng online qua trang web đều phải cho trả lại trong 14 ngày. Đa phần các trang bán hàng cho trả hàng 30 ngày và thậm chí một vài cửa hàng còn cho trả hàng 365 ngày. Tuy nhiên cô ấy phải đọc kỹ luật và chính sách hoàn tiền vì một số hãng có chính sách không cho trả hàng nếu bên mua là doanh nghiệp.


Cô ấy đồng ý vì sốt ruột khi 1000 euro mãi mới kiếm được thì giờ lại biến thành đống hàng tồn kho không biết bao giờ mới đẩy được đi, mà kể cả bán hết cũng chỉ lãi 100 euro. Giờ thì cô ấy đang liên hệ để xem họ có giải quyết trả hàng hoàn tiền hay không.


Tôi đã mắc sai lầm này rất nhiều. Đó là có được chút doanh thu, tiền vào, học viên mua thẻ tập, liền bắt đầu tiêu tiền mua nọ mua kia nghĩ rằng đó là một khoản đầu tư. Nào là mua đồ trang trí studio, mua đèn, mua máy ảnh, v.v. Lúc nào trong đầu tôi cũng nảy ra ý định mua gì đó. Thật ra là không có nhiều tiền chứ có nhiều chắc cũng đi mua tùm lum hết.



Tiền là máu của một doanh nghiệp. Không có tiền là lúc công việc kinh doanh ngừng hoạt động. Chắc hẳn bạn đã nghe câu “tiền mặt là vua” - “cash is king”? Đó là bởi vì khi nhìn vào các con số trên giấy, có doanh thu, có khách mua hàng, thậm chí trên giấy tờ là có lợi nhuận, nhưng sờ đến ví tiền tươi thóc thật thì chả thấy đâu. Đó là do không kiểm soát được những khoản chi nhỏ, khoản “đầu tư” mà thực chất là hàng tồn, các chi phí không rõ ràng như thuế ở ví dụ trên, và thậm chí các chi phí về mặt cảm xúc và tinh thần khi cứ phải đau đầu và thất vọng vì tiền.


Thay vì nhập hàng, cô ấy có thể làm tiếp thị liên kết (affiliate). Có những hãng sẽ cho phép tạo một code giảm giá 10%, ví dụ bạn ở châu Âu muốn mua thảm tập Manduka có thể sử dụng code HAMYYOGA khi checkout để được giảm 10% - và tôi cũng sẽ được họ chia một khoản hoa hồng, tuy rất nhỏ, nhưng không phải nhập hàng và lo xử lý hàng tồn.


Cá nhân tôi đã quyết định không kinh doanh các sản phẩm phải nhập hàng và ôm hàng nữa cũng sau 1 lần ôm hàng và sau đó tôi phải XIN một cô bạn giúp tôi thanh lý ở hội chợ đồ cũ. Tôi không cần một đồng nào cả, chỉ mong cô ấy mang chúng đi cho tôi đỡ chật nhà và đỡ phải nhìn thấy cái sự thất bại của mình =))))


Không biết bạn đã bao giờ nhập hàng về bán nhưng sau đó chỉ muốn tung hê tất cả, vứt đi cũng được, mất tiền cũng đành chấp nhận, chỉ muốn thoát khỏi cái gánh nặng kinh doanh với ôm hàng hay chưa? Tôi thì rất hiểu cái cảm giác đó, và tôi không có các đức tính cẩn thận, chỉn chu, gọn gàng, kiểm đếm, ghi chép tỉ mỉ, v.v để kinh doanh các mặt hàng như vậy, nên tôi quyết định sẽ không kinh doanh các mặt hàng cần ôm - vậy cho nhẹ đầu.


Đó là cá nhân tôi, còn tất nhiên rất nhiều người vẫn kinh doanh bán hàng thành công.


Còn bạn thì sao, tiền của bạn có đang bị chôn ở đâu?


Bạn sẽ KHÔNG kinh doanh mặt hàng / dịch vụ gì?



Và để kết một bài viết toàn những sự chán nản của việc ôm hàng, chôn vốn, tồn kho, thì tôi muốn nói với bạn rằng: Thật ra trong những năm tháng dạy lớp yoga và mở studio, tôi cũng có lấy ra những khoản tiền nhỏ để cho vào một tài khoản đầu tư.


Sau khi đóng cửa studio (và mới đây đóng nốt công ty) thì tôi cảm giác mình chả có gì cả. Nhưng thực tế là tôi vẫn có tài khoản đầu tư đó và nó vẫn lên xuống, nhưng có tăng trưởng :)


Nhớ nhé, tiền là máu, tiền mặt là vua. Hãy kinh doanh, hãy làm vì đam mê, nhưng đừng quên chừa ít máu để cho vào một kênh đầu tư khác. Có thể là tích sản như gửi tiết kiệm ngân hàng, mua vàng, v.v, có thể là mua chứng khoán, mua đất, mua quỹ - cái này bạn sẽ cần phải tự tìm hiểu và ra quyết định.


Và dù kinh doanh hay không thì bạn vẫn cần phải học về tiền. Hãy tham gia khoá học Kết nối với tiền - tôi đã học khoá học này 2 lần và sẽ còn học lại. Bây giờ, quan hệ của tôi với tiền đã tốt lên, và tôi có thể khá tự tin nói về tiền như thế này.


Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!


Tôi từng quen một cô bạn khác, tạm gọi là bạn C., cũng là giáo viên yoga. Bạn có một studio nhỏ xíu chỉ đủ 6 thảm và chỉ là một phòng trong một căn hộ. Sau đó bạn đứng ra thuê mặt bằng và mở rộng studio.


Nói sơ qua về mặt bằng này, rộng tới 80 mét vuông nhưng hình dạng dài, mặt tiền khoảng 4-5 mét. Mặt tiền có một cửa kính lớn nên rất sáng. Một điểm trừ là đây là một chung cư cũ có tầng hầm nên ở giữa nhà lại có 1 cầu thang xoắn đi xuống tầng hầm. Vậy nên bị mất một phần diện tích do cái cầu thang này và mặt bằng cũng bị chia cắt một chút.


Mặt bằng phòng tập yoga cần diện tích lớn hơn để chứa số ít người hơn so với các hoạt động khác. Ví dụ như lớp học tiếng Anh thì mọi người ngồi trên bàn ghế, lớp có 10 người sẽ cần diện tích nhỏ hơn so với lớp yoga mỗi người một thảm. Vậy nên một mặt bằng vuông vắn không bị chia cắt, không thò thụt là lý tưởng nhất. Do đặc thù của hoạt động tập yoga mà không gian cũng cần thoáng khí, ánh sáng tự nhiên, tĩnh lặng và có thẩm mỹ để giúp tinh thần thư thái.


Tôi đến giúp bạn C. trong quá trình sửa studio. Ngày đầu tiên tôi đến thấy không gian rộng như vậy tôi tưởng bạn sẽ để toàn bộ diện tích dành cho lớp yoga. Nhưng không, hoá ra bạn sẽ ngăn diện tích cho 1 phòng to để làm quầy lễ tân và bán đồ ở ngoài cùng gần cửa sổ lớn. Sau đó lại ngăn 1 phòng vuông không có cửa sổ để làm phòng massage trị liệu reiki. Rồi sau nữa mới đến không gian tập yoga ở tít trong cùng.


Khi nghe thấy kế hoạch như vậy tôi đã thấy một sự lãng phí không gian rất lớn. Càng xếp được nhiều thảm thì bạn càng dễ kiếm ra nhiều tiền.


Và lần tiếp theo tôi đến thì đã thấy dựng xong những bức tường thạch cao ngăn không gian theo ý bạn và tôi đã có linh cảm phòng tập này đã là một thất bại ngay từ khi nó chưa đi vào hoạt động.


Bởi vì sau khi phân chia không gian thì phòng tập yoga chỉ còn khoảng 20-30m2. Tôi không có thước đo chính xác. Nhưng nó rất nhỏ, trong khi bạn vẫn phải trả tiền cho 80m2. Và phần đẹp nhất của mặt bằng là cửa sổ kính lớn lại không dành cho hoạt động tập yoga. Phòng yoga bị đẩy tít vào trong cùng. Đây lại là một toà chung cư, và chung cư ở châu Âu thì tuổi đời có thể lên đến 100, nên không gian yoga bị đặt ngay dưới gầm cầu thang của chung cư, tối nhất, góc trong cùng lại bị cắt chéo bởi cầu thang, và thường xuyên có những tiếng ống nước của hệ thống nước chung cư.


Một lưu ý nữa trong phòng yoga là nếu phòng không có cửa sổ thì sẽ cảm giác ngột ngạt hơn nhiều và sức chứa kém đi, so với một phòng cùng diện tích nhưng sáng sủa, có cửa sổ và khí trời.


Nhưng tôi không đủ dũng khí và thân thiết để nói với cô bạn này là bạn ơi, phòng tập này sẽ không thể thành công vì nó đã thất bại rồi. Bạn tìm đường lui đi thôi! Và cô ấy vừa mở một công ty TNHH để vận hành studio và cũng vừa ký hợp đồng 3 năm và đóng cọc 3 tháng cho mặt bằng này.


Và sau đó thì phòng tập này ngốn hết tiền của, công sức và thời gian của cô ấy. Tôi chỉ có thể tưởng tượng ra nó là một gánh nặng cỡ nào. Cô ấy như sa vào một vũng lầy.


Một hôm tôi thử hỏi cô ấy: sao bạn không cho công ty của bạn phá sản đi để thoát khỏi cái mặt bằng đó? Lưu ý: đây là công ty TNHH nên khi nó phá sản thì cô ấy gần như không phải chịu trách nhiệm gì. Tất nhiên cô ấy sẽ mất số tiền bỏ vào từ trước tới giờ, nhưng cô ấy sẽ thoát ra khỏi vũng lầy và cả đống stress.


Nhưng cô ấy nói: Cái gì? Phá sản á? Nhưng tôi muốn theo đuổi đam mê của mình!


Tôi đã nghĩ về điều đó rất nhiều.


Nếu cô ấy thực sự đam mê dạy yoga thì không có cái phòng tập này cô ấy vẫn có thể làm được. Dạy yoga ở nhà mình, dạy nhóm nhỏ, dạy 1-1, làm video chia sẻ về yoga, dạy yoga ngoài công viên, v.v rất nhiều cách để cô ấy có thể thực hiện đam mê dạy yoga mà không cần sa lầy vào cái business đó.


Đam mê khác với công việc kinh doanh.


Bạn hoàn toàn có thể làm điều bạn thích mà không biến nó thành công việc kinh doanh.


Hoặc bạn có kinh doanh điều bạn đam mê nhưng không biến nó thành một gánh nặng trong cuộc đời bạn. Vì khi đó thì đam mê cũng tắt.


Có một câu nói hài hài tôi đọc ở đâu đó là: Đừng biến đam mê thành công việc vì khi đó bạn sẽ phải đi tìm một đam mê khác. Trước đây tôi không hiểu, tôi không muốn như vậy. Tôi cũng như bao người khác đã bị các nhà tư bản phương Tây nhồi nhét tư tưởng là “hãy biến đam mê thành công việc và bạn sẽ không phải đi làm ngày nào”.


Theo bạn thì ai là người hưởng lợi nhiều nhất khi cô bạn tôi mở studio rồi phải đóng? Đó chính là chủ nhà và ngân hàng :))))))


Nói điều này không có nghĩa xem nhẹ đam mê. Mà trái lại tôi nghĩ hãy thật trân trọng đam mê của mình và thật cẩn trọng khi muốn kiếm tiền từ nó.


Hãy nghĩ xem bạn có thể lan toả những điều bạn yêu thích đến mọi người như thế nào để giúp họ, mà bạn không bị “mất đi” quá nhiều. Chỉ khi bạn có đủ thì bạn mới có thể cho đi.


Cô bạn C. thì sau đó đã đóng cửa studio. Tôi cũng không rõ chi tiết. Giờ thì cô ấy hoạt động tích cực trên instagram thực hiện các challenge và give away của các yogi trên IG để thu hút lượt follow, và thỉnh thoảng dạy 1 vài lớp yoga. Cô ấy đã tìm ra những cách khác để thực hiện giấc mơ của mình.


Tôi có câu hỏi dành cho bạn:


Bạn đang có giấc mơ gì?

Bạn đang có đam mê gì?

Bạn hãy nghĩ ra những cách dễ nhất, tốn ít tiền nhất, tốn ít công sức nhất để thực hiện những điều đó. Những cách mà bạn có thể làm được ngay và luôn.


Và hãy thực hiện ngay và luôn!

Có một quy định ở các studio yoga đó là giáo viên không được phép nói về studio khác. Một số nơi thì giáo viên còn không được phép tự quảng bá bản thân, mời mọi người follow mình trên mạng xã hội, hay quảng cáo các hoạt động lớp yoga hay workshop khác nằm ngoài phạm vi studio. Tóm lại là không để khách hàng của studio “chảy” ra ngoài. Theo tôi quy định này hoàn toàn hợp lý và nên có. Đứng ở góc độ giáo viên yoga thì khá ấm ức đấy nhưng là chủ studio thì hoàn toàn nên làm vậy.


Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc vậy thì một giáo viên yoga mới có thể khiến mọi người biết đến mình nhiều hơn bằng cách nào để không xung đột về lợi ích với studio và cũng không vi phạm quy định của họ? Mỗi khi tôi tự promo quảng bá bản thân, tôi đều tự hỏi liệu mình có đang “cướp” khách của studio?


Đặc biệt là khi có khách hàng mà tôi biết từ các lớp studio chuyển ra tập yoga ở lớp riêng của tôi thì tôi càng cảm thấy ngài ngại, mặc dù cũng thấy sướng phết vì họ chọn tập với tôi. Cũng có tí hả hê :)))))))) nhưng cũng cảm thấy tội lỗi hoặc ngại, thấy mình “mặt dày”, liệu mình có đang đi “cướp khách”?


Sau khi đóng cửa studio và chuyển ra khỏi thành phố, tôi không còn dạy yoga nữa và ở nhà nghỉ đẻ và trông em bé, tóm lại tôi đã rút lui 1 năm nay (bài viết này là tháng 12/2023). Tôi có một cô bạn cũng là giáo viên Yoga là bạn N, và tôi đã chia sẻ hết cho bạn tất cả những bài học, những thất bại, những điều mà nếu có làm lại tôi sẽ làm khác đi. Bạn hãy tiếp tục theo dõi series bài viết về Yoga Business của tôi, và bạn cũng sẽ có được những điều đó.



Khi này bạn N đang dạy yoga ở một studio lớn trong thành phố. Nhưng bạn mới được dạy 2 tuần một lần. Bạn vừa học xong khoá đào tạo giáo viên 500h, chi phí cho khoá học rất lớn nên bạn cũng muốn đi dạy nhiều nhiều chút vừa để kiếm lại số tiền bỏ ra mà vừa muốn tích luỹ kinh nghiệm dạy yoga. Ở studio của bạn, họ cũng tự đào tạo giáo viên. Họ có rất nhiều giáo viên, nên cạnh tranh là rất lớn. Đúng như những gì tôi đã mô tả ở các bài viết 101 hay 102. Ở studio này, bạn không được phép tự quảng bá bản thân kiểu như “các bạn hãy tìm tôi trên Instagram nhé”, không được phép quảng bá các hoạt động yoga khác của bản thân. Không được mở workshop tại studio đó - việc mở workshop rất hạn chế và gắt gao dành cho số ít giáo viên cốt cán. Và không được host yoga retreat - chủ studio là người duy nhất được host yoga retreat.


Bạn đọc tới đây có thể nghĩ: trời đất studio gì mà nghiêm khắc quá vậy? Nhưng tôi hoàn toàn hiểu tại sao họ làm như vậy. Tôi có cơ hội gặp gỡ cô chủ studio đó vài năm trước, khi cô ấy mới đi dạy yoga. Cô có background làm về marketing cho các tập đoàn lớn. Đầu óc về kinh doanh của cô cực kỳ nhạy bén. Và khi tôi đi xem báo cáo về thuế của các studio thì cô ấy là người kiếm được nhiều tiền nhất. Vậy có lẽ những chính sách gắt gao của cô giúp cô thành công.


Vậy bạn N của tôi phải làm thế nào? Tôi nghĩ bạn có thể làm như sau.


Bước 1: Gắn bó với studio và luôn sẵn sàng nhận lớp mới. Cơ hội sẽ luôn đến, có thể ai đó bận, ốm, mệt, hay lâu dài hơn là ai đó rời studio, chuyển đi nơi khác sống, v.v luôn là những cơ hội để mình dạy thay. Từ lớp dạy thay, sẽ dần dần có lớp dạy thường xuyên, dù là 2 tuần một lần cũng được. Điều này khiến học viên quen mặt và nhớ tên của bạn.


Bước 2: Tiếp theo, bạn cần đóng góp về mặt marketing và lan toả trên mạng xã hội cho studio. Khi tới studio hãy đến sớm một chút hay về muộn một chút, dành thời gian quay những clip ngắn để đăng reel hay story trên mạng xã hội, quảng bá cho lớp tập yoga của mình tại studio. Chụp những hình ảnh đẹp để đăng lên, và cũng để lưu giữ sau này có lúc bạn sẽ cần những hình ảnh đó. Khi đăng tải, tag studio vào. Điều này có thể có lợi nhiều hay ít cho studio, nhưng cực kỳ cực kỳ có lợi cho bạn vì có nhiều khả năng học viên của studio nhìn thấy bạn thông qua các bài viết bạn tag studio đó. Nếu học viên đã biết mặt nhớ tên bạn, lại thấy bạn xuất hiện trên newsfeed của họ, họ có nhiều khả năng sẽ follow bạn.


Bước 3: Xây dựng các kênh social media cho đầy đủ thông tin và nội dung. Khi học viên tìm ra bạn trên mạng xã hội, họ có follow bạn hay không tuỳ thuộc vào những gì họ thấy trong profile của bạn.


Bạn chưa cần phải nổi tiếng, xinh gái đẹp trai, chụp ảnh pose dáng đẹp, quần áo tập xịn xò, đu trend tiktok hay gì gì.


Bạn không cần thiết phải xuất hiện trên tất cả các mạng xã hội, chỉ cần những mxh bạn ưa dùng nhất, sau này có thời gian hoặc hứng thú thì mở rộng sang các mxh khác sau.


Trước tiên bạn chỉ cần có 1 trang chuyên nghiệp - professional profile - trong đó có thông tin đầy đủ, họ tên, liên lạc, và các sản phẩm của bạn. Là giáo viên yoga chẳng hạn, thì sản phẩm là các lớp yoga bạn dạy ở các studio, dịch vụ dạy 1-1, workshop, lớp tự tổ chức, vân vân. Mà kể cả bạn mới học xong đào tạo giáo viên, chưa có được dạy nhiều lớp, thì bạn vẫn có thể đăng những hình ảnh, bài viết về yoga, coi như vừa ôn lại kiến thức yoga vừa chia sẻ cho mọi người.


Tôi nghĩ nên có account dành riêng cho công việc. Có rất nhiều người sử dụng chính tài khoản cá nhân để nói chuyện công việc và họ rất thành công và có rất nhiều người follow. Nhưng tôi vẫn thích sự tách bạch giữa công việc và đời sống cá nhân. Trước đây khi tôi mới lập page Hà My Yoga trên Facebook, thật ra là chỉ toàn người quen và bạn bè like page ủng hộ. Nhưng dần dần có nhiều người follow hơn, đăng nhiều content về yoga hơn, thì tôi vẫn có fb cá nhân để liên hệ với gia đình bạn bè và chia sẻ những khía cạnh khác trong cuộc sống.


Một điều tôi cảm thấy tiếc là account Instagram đầu tiên của tôi lập năm 2016, từ một account cá nhân là nơi tôi chụp và đăng những bức ảnh kiểu so deep lưu lại những khoảnh khắc và suy nghĩ vui vui tuổi thanh xuân, lẽ ra tôi nên giữ nó như vậy, nhưng tôi lại chuyển đổi nó thành tài khoản business và chia sẻ về yoga. Dần dần tôi cảm thấy ngộp thở và áp lực về chuyện đăng bài trên instagram, nên tôi lại lập 1 account IG cá nhân để ẩn.


Tóm lại, là bạn cần có 1 địa chỉ online để khách hàng có thể tìm ra, theo dõi và tìm hiểu về bạn. Hãy tưởng tượng bạn dạy yoga rất tâm huyết, có một số người cảm thấy hợp gu muốn follow bạn trên mxh nhưng quá khó để tìm thấy bạn? Hoặc khi tìm thấy thì chỉ là 1 cái fb / ig cá nhân nơi bạn chia sẻ đủ thứ linh tinh thường ngày? Kể cả họ có add friend với bạn thì những gì bạn đăng cũng sẽ chìm nghỉm trên newsfeed và dần dần khách hàng sẽ không còn nhớ bạn là ai.


Vậy tóm tắt 3 bước:

  • Bước 1: nhiệt tình với studio và học viên, nhưng đừng quá trớn mà lộ liễu quảng cáo về bản thân hoặc các hoạt động ngoài studio mà bạn đang dạy. Bước này là để học viên nhớ mặt biết tên mình.

  • Bước 2: nhiệt tình với studio trên mạng xã hội, vừa để quảng bá cho họ vừa reach out tới cộng đồng học viên.

  • Bước 3: xây dựng nội dung cho trang mxh chuyên nghiệp của bạn để học viên có ghé thăm thì sẽ nhận ra, hiểu thêm về bạn và từ đó follow bạn.


Và tôi đã dùng cách này để cuốn hút học viên từ các studio tôi dạy. Khi tôi mở lớp yoga riêng và studio riêng, có rất nhiều người là học viên cũ của các studio đến tập với tôi.


Đôi khi do tính trẻ trâu và háo thắng mà tôi cũng đi quá trớn như đã nói ở bước 1 phía trên. Tôi giới thiệu bản thân hơi quá đà và quảng bá các hoạt động lớp yoga riêng của tôi.


Và tôi thường cảm thấy ái ngại và tự hỏi: Mình có đang đi cướp khách hay không?


Cho tới khi tôi nhận ra một điều:


Không ai có thể cướp khách hàng.


Khách hàng không phải đồ vật vô tri để chúng ta thao túng hay giằng giật.


Khách hàng mới là người lựa chọn có đến với chúng ta hay không.


Chúng ta chỉ có thể tạo ra sản phẩm dịch vụ trải nghiệm tốt nhất trong khả năng và trí sáng tạo của mình. Khách hàng sẽ lựa chọn đến với chúng ta hay không.


Và người khách bỏ studio A để đến với tôi, rồi một lúc nào đó họ lại bỏ tôi để đến tập studio B.


Đó là chuyện hết sức bình thường. Biết đâu sau này tôi có một sản phẩm dịch vụ nào đó khác, những người khách hàng lại quay về với tôi? Rồi họ lại đi? Rồi họ lại quay về?


Hãy để mọi thứ như một dòng chảy, kể cả khách hàng. Dòng nước chảy đi, bốc hơi lên thành mây, thành mưa, rồi lại chảy về. Just go with the flow.


Đây cũng chính là một phần lý do tôi đóng cửa studio, vì áp lực về chi phí, tài chính, công sức và thời gian khiến tôi không thể yêu và hào phóng với khách hàng như vậy được nữa. Tôi cảm thấy mình dần tệ hơn với khách hàng, kiểu như cay cú khi họ không đến tập (xin lỗi khách hàng…🥹). Vậy là tôi cũng sẽ có một khoảng cắt lỗ mới cho tất cả các hoạt động sau này tôi sẽ làm: tôi sẽ dừng lại khi thấy bản thân không thể yêu thương và hào phóng.


Nhân tiện thì cô bạn của tôi đã áp dụng mấy kinh nghiệm này. Cô ấy cực kỳ thông minh và sáng tạo, dần dần có thêm nhiều lớp ở studio. Nhưng cô ấy đã nghỉ dạy studio và tổ chức lớp riêng, cũng chính ở địa điểm mà tôi từng thuê theo giờ để dạy lớp yoga đông vui giá rẻ. Nhưng cô ấy đã làm khác đi, dựa trên những trải nghiệm thất bại của tôi. Tôi sẽ kể cho bạn nghe kỹ hơn ở bài viết sau.



Cảm ơn bạn đã đọc, hẹn gặp bạn ở bài viết sau!





bottom of page