TITIBHASANA - TƯ THẾ CON ĐOM ĐÓM
Trong hình là tư thế Titibhasana do Linh, cô giáo dạy Yoga thực hiện. Linh có cơ gân kheo dẻo, và xương chậu có thể ngả trước nhiều để gập hông sâu và có thể đưa được chân lên rất cao gần với vai trong tư thế.
Tôi làm tư thế này thì nhìn rất buồn cười do cơ đùi trước yếu, cơ gân kheo ngắn và lưng dưới gù không gập hông sâu được. Thỉnh thoảng tôi có thực hành Titibhasana và có một số tiến bộ nhỏ bé.
Cách đầu tiên tôi làm cho tư thế dễ hơn đó là chống tay trên block. Điều này sẽ làm ¨kéo dài¨ cẳng tay giúp cẳng tay đỡ được vào chân nhiều hơn.
Khi nâng cao lên nhờ độ cao của block như vậy, thì chân của bạn cũng đã được nhấc một chút lên khỏi mặt đất. Bạn vẫn có thể giữ đầu mũi chân trên sàn và nhấc gót lên. Hoặc lùi trọng lượng cơ thể về sau một chút để nhấc cả bàn chân lên khỏi sàn. Tới đây là bạn đã đi được gần tới tư thế hoàn chỉnh. Có thể thử duỗi thẳng dần chân ra.
Khi tập đến đây, tôi thường duỗi thẳng 1 chân, rồi tới lượt chân kia.
Hoặc tới đây, bạn có thể ngoắc hoặc chạm hai bàn chân vào nhau. Lúc này, tư thế sẽ biến thành một tư thế Yoga khác, nhưng cũng là một tư thế thăng bằng tay có nhiều nét tương đồng.
ASTAVAKRASANA - TƯ THẾ 8 GÓC
Trong tiếng Phạn, Asta là số 8, còn Vakra là góc.
Tư thế Astavakrasana bắt đầu vào tới các tư thế thăng bằng tay khó hơn, khó theo kiểu ¨được ăn cả, ngã về không¨. Ở các tư thế kiểu này, thì một là bạn làm được, hai là không, chứ rất khó dùng các dụng cụ để hỗ trợ vào tư thế. Tôi đành đưa ra vài ý tưởng về các bước làm tư thế và bạn có thể thử dừng lại ở bất kỳ bước nào nhé!
Tư thế này có một điểm khó khăn đó là bạn phải có độ linh hoạt khớp háng đủ để vác được chân lên vai. Bạn có thể thực hiện các tư thế có hình dáng đầu gối sát gần vai, tác dụng mở hông để vác chân lên vai như: Tư thế Góc Nghiêng, Bandha Konasana, tư thế Con Rùa, tư thế La Bàn, tư thế Chim Bồ Câu biến thể nằm sấp, v.v... Khi đã đặt được đầu gối lên bắp tay hoặc vai rồi, bạn có thể bắt đầu bằng một hình tư thế dễ hơn được gọi là tư thế Vòi Voi như sau:
Ở tư thế này, tuy có sự hỗ trợ của 1 chân trên sàn, nhưng nó đã dần trở thành đứng trên tay do trọng lượng cơ thể dồn vào tay nhiều hơn.
Nếu bạn đã ở đây rồi, thì có thể móc hai bàn chân vào nhau duỗi sang bên, đồng thời chùng khuỷu tay dồn người ra phía trước để thăng bằng trên tay, vào tư thế Astavakrasana hoàn chỉnh. Để chùng khuỷu tay được cũng khá khó vì với nhiều người mới bắt đầu, khi gập khuỷu tay họ không kiểm soát được mức độ gập, không dừng lại được giữa chừng, khiến gập quá sâu và toàn thân bị chúi về phía sàn nhà. Bạn hãy tập luyện thêm tư thế Chaturanga Dandasana để có sức mạnh xung quanh khớp vai giúp ổn định khớp vai thêm nhé.
Hoặc để làm tư thế Vòi Voi hoàn chỉnh, từ hình tư thế như ảnh trên, duỗi thẳng và nhấc chân đang chạm sàn để trụ hoàn toàn trên tay.
------------------------------------------------------
Cảm ơn bạn đọc đã đọc hết bài! Đọc thêm về các tư thế Thăng Bằng Tay khác trong Yoga:
Cơ bản về Thăng Bằng Tay - Lolasana & Tolasana
Các bước tư thế Con Quạ trong Yoga
Cách làm Titibhasana & Astavakrasana
Eka Pada Kakasana - cách làm Quạ 1 chân trong Yoga
Ganda Bherundasana - Chinstand - Đứng bằng cằm
Eka Pada Koudinyasana 1 và 2 - thăng bằng tay đẹp mắt trong Yoga
Tư thế Quạ Bên trong Yoga
Xem toàn bộ dự án PROP UP: Cách dùng dụng cụ hỗ trợ để tập 10 nhóm tư thế Yoga với 10 CHƯƠNG:
Prop Up! là một dự án Hà My Yoga (Sweden) thực hiện nhằm giúp bạn làm được hơn 80 tư thế Yoga một cách dễ dàng cùng với các dụng cụ đơn giản: block, dây, chăn, gối, tường. Giúp bạn có thể thật sự tận hưởng việc thực hành Yoga!
Bạn thấy bài viết hữu ích? Hãy share về FB của mình nhé!
Comments