Yoga Business 103: Cơm áo không đùa với khách thơ
top of page

Yoga Business 103: Cơm áo không đùa với khách thơ


(Câu chuyện về tôi đã mở (và đóng) phòng tập yoga như thế nào)


Khi gặp may & mọi việc hanh thông

Ở bài trước tôi đã chia sẻ, khi mới vào nghề dạy yoga hồi năm 2017, tôi có may mắn được giao cho khá nhiều lớp dạy và thu nhập rất tốt trong hơn 1 năm tôi dạy yoga ở Việt Nam (cụ thể là thành phố Hà Nội). Trong khoảng thời gian đó, dạy yoga là công việc chính của tôi. Có thể nói rằng tôi là giáo viên yoga toàn thời gian (full time). Ngoài công việc yoga ra tôi không làm nghề gì khác.


Tôi học khoá đào tạo giáo viên Yoga 200h lần đầu tiên vào đầu năm 2017 tại Hà Nội. Trước đó, tôi làm một số công việc văn phòng cũng ở Hà Nội. Thời điểm đi học khoá đào tạo giáo viên thì tôi mới nghỉ một công việc văn phòng, và cũng đi học vì đam mê chứ chưa dám nghĩ sẽ đi dạy. Tôi cũng đã chuẩn bị sẵn 1 khoản tiền để tiêu trong lúc nghỉ việc và cũng dắt túi 1 mối công việc mới rồi. Thế nhưng dòng đời xô đẩy nên học xong khoá đào tạo giáo viên thì tôi lại bắt đầu làm việc cho studio luôn. Trước khi nhận việc tôi cũng suy nghĩ vì trước giờ quen đi làm nhận lương tháng nào cũng giống tháng nào. Giờ thì lương tính theo số lớp dạy, mà mình khi đó giáo viên mới còn chưa có được xếp lịch lớp nào cố định cả, nên thấy hoang mang sợ lương bấp bênh và thấp. Đúng thật tháng đầu tiên chưa được dạy lớp nào, chỉ được một hai lần có giáo viên đột xuất không dạy được thì mình dạy thay, nên cuối tháng lương không nhiều. Nhưng có một điều tôi rất may mắn là đã trở thành giáo viên yoga khi đó thị trường vẫn rất xanh, và may mắn nữa là studio hoạt động tốt và chưa nhiều giáo viên, nên tôi dần dần được giao số lớp yoga nhiều lên. Càng dạy nhiều thì càng tự tin, và được các anh chị giáo viên khác nhờ đi dạy cover, rồi dần dần có thêm nhiều mối quan hệ quen biết để đi xin dạy ở cả các trung tâm khác. Rồi được ưu ái giao cho dạy các lớp private. Nói tóm lại là tôi dạy khoảng từ 10-20 lớp yoga mỗi tuần, tuy cũng có phải đi lại di chuyển nhiều nhưng thu nhập tốt hơn hẳn lương của các công việc văn phòng trước đó. Thỉnh thoảng có những khoá đào tạo giáo viên tôi tham gia phiên dịch và dịch tài liệu đào tạo thì lại được thêm tiền.


Nghĩ lại hồi đó rất rất may mắn, và những vấn đề tài chính đều do các studio chủ động làm, tôi chỉ việc đến dạy lớp rồi đi về, dạy xong không phải suy nghĩ gì cả, cuối tháng nhận lương thôi. Thật tuyệt vời!


Nên khi mới ra nước ngoài ở tôi đã bị một cú sốc.


Và khi phải tự loay hoay một mình

Đột nhiên tôi không hề có một mối quan hệ nào, không quen biết ai cả để mà có người giới thiệu lớp cho. Tôi cũng không nói ngôn ngữ và không am hiểu văn hoá của họ, dù ở Thuỵ Điển thì gần như ai cũng có thể giao tiếp tiếng Anh. Và điều khác biệt nhất là tôi nhận ra thị trường cho dạy yoga đã rất “đỏ” - các studio liên tục đào tạo ra các giáo viên mới, giáo viên yoga rất đông đến nỗi studio có thể thay người dạy liên tục, và các lớp quay vòng giữa rất nhiều giáo viên. Như tôi có lấy ví dụ ở bài trước là khi ở Việt Nam thì tôi dạy lớp hàng tuần, nhưng ở đây thì tôi chia sẻ lớp đó với một vài bạn giáo viên khác, tức là 2-3 tuần tôi mới dạy lớp đó một lần. Cũng có những bạn giáo viên tôi quen dạy lịch cố định hàng tuần, nhưng cũng thường bị thay thế khá nhanh chóng khi studio đào tạo ra một lứa học viên mới. Và chính vì vậy nên ở chỗ tôi gần như không có ai mà làm nghề giáo viên yoga full time cả. Tất cả các bạn giáo viên yoga đều có một công việc khác, và họ đi dạy yoga chỉ là nghề tay trái, và thậm chí chỉ như một sở thích, vì số lượng lớp dạy quá ít và sau khi khấu trừ thuế thì cũng không đáng kể.


Cái tôi cá nhân của tôi quá to, vì tôi đang làm nghề dạy yoga toàn thời gian, tôi không phải làm công việc nào khác để kiếm sống cả, nên tôi cảm thấy rất tự cao tự đại là mình “chuyên nghiệp” hơn người ta. Tôi cảm thấy người ta dạy yoga 1 tuần có ít buổi thì làm sao dạy “giỏi” bằng mình thời gian vừa qua đã cày rất nhiều lớp mỗi tuần. Và tôi đặt ra mục tiêu rằng mình cũng sẽ chỉ làm công việc dạy yoga mà thôi, không làm việc khác.


Thật ra bây giờ nhìn lại tôi mới thấy cái bản ngã của mình khi đó quá lớn, cộng thêm sự cố chấp vào những hoàn cảnh và điều kiện trước đó ở Việt Nam và không thể chấp nhận được thực tại là tôi đã ở một môi trường khác, tình huống khác hoàn toàn. Nên tôi cũng đã nếm mùi thất vọng không ít lần. Thế nhưng cũng có thể vì sự cố chấp đó mà tôi có được những thứ khác, như là toàn bộ các video, khoá học, bài viết được tôi tổng hợp lại trong trang web này chẳng hạn.


Ở bài trước, tôi đã kể đến đoạn lớp yoga giá rẻ đơn giản và chill của tôi bắt đầu đông và đều học viên. Khi này tôi đã rất lạc quan và đặt ra mục tiêu 1 tuần tôi sẽ dạy 5 lớp yoga như vậy, và mỗi lớp đạt số học viên như vậy, là tôi có thể thu về một số tiền tương đối ổn hàng tháng. Nhưng điều đó đã không xảy ra, một phần do dịch covid, nhưng phần lớn hơn là do tôi đã không hiểu: khi tôi dạy 1 lớp yoga 1 tuần và có những tuần rất đông học viên lên đến 15-20 người, thì không có nghĩa là tôi dạy 5 lớp yoga mỗi tuần đều sẽ chắc chắn đạt sĩ số như vậy. Do nhiều nguyên nhân như dân số ít - thành phố tôi ở có 300,000 dân, cạnh tranh khốc liệt - đã có tới hàng chục yoga studio chưa kể các chuỗi phòng gym cũng có các lớp yoga riêng của họ, do tôi không đầu tư và không đủ năng lực cho việc marketing quảng bá thu hút thêm học viên, v.v


Đến một lúc nào đó, tôi cảm thấy bắt đầu “đau đầu vì tiền”, và đáng tiếc là sự vô tư hồn nhiên của những lớp yoga free ngoài công viên bắt đầu phai nhạt. Cơm áo không đùa với khách thơ, và cả khách yoga. Khi luôn trong tâm thế cạnh tranh giằng giật, tôi mất đi cảm giác an yên đủ đầy hay cái gọi là “abundance mindset” - tư duy đủ đầy. Tôi luôn nhìn các bạn giáo viên khác như những đối thủ, và kể cả khi đi tập yoga tôi cũng khó lòng thư giãn vì luôn để ý xem người ta dạy gì, có gì hay có gì dở, có gì mình học tập được hay có thể làm tốt hơn không, vân vân. Và tôi đã hiểu ra rằng, những giáo viên yoga chỉ dạy "cho vui" một vài lớp một tuần và vẫn có duy trì một công việc chính, họ có lợi thế hơn hẳn nằm ở sự an yên về tài chính. Họ đã có một nguồn thu nhập ổn định, và theo đuổi đam mê về yoga bằng việc đi dạy một số lượng ít lớp, không bị kiệt sức mà vẫn vui và tràn đầy năng lượng với niềm đam mê của mình. Và khi họ có thể kiếm đủ tiền từ việc dạy yoga, thì họ rời bỏ công việc đang làm và theo đuổi dạy yoga toàn thời gian. Trên thực tế là những giáo viên yoga hoặc chủ studio thành đạt mà tôi gặp thì rất nhiều người trong số họ có background làm việc về tài chính, marketing hay sale - những mảng chủ chốt trong vận hành doanh nghiệp.


Vậy tôi sẽ đi đến kết luận cho bài viết này: đó là hãy học về tài chính. Hãy học về tiền và cách nó vận hành. Tôi đã thay đổi từ suy nghĩ khăng khăng tôi phải kiếm tiền từ việc dạy yoga thành tôi sẽ có tài chính tốt và dạy yoga. Tiền có thể đến từ đam mê mà cũng có thể không, nhưng tiền luôn là nền tảng vững chắc để làm những điều chúng ta thích, kể cả là dạy yoga hay bất kỳ đam mê nào. Hãy nuôi đam mê trước khi bắt đam mê nuôi mình :)))))


Rất tiếc tôi hiện nay không thể dạy cho bạn về tài chính vì tôi vẫn đang học. Tôi chỉ có thể giới thiệu bạn, nếu bạn cũng như tôi: không có kiến thức về tài chính, hoang mang lạc lối, thì có thể tham gia khoá học Kết nối với tiền của chị Hiếu. Đây là một khoá học về tài chính và tư duy về tiền cực kỳ đơn giản dễ hiểu và dễ áp dụng. Tôi đã học khoá học này vào tháng 11/2022 trong lúc đang mang bầu sắp sinh em bé, và khi có thời gian tôi sẽ học lại. Bạn có thể truy cập trang web www.ketnoivoitien.com hoặc liên hệ qua Facebook Kết nối với tiền để đăng ký học qua zoom, mỗi tháng có một khoá học.


Vậy nếu bạn có những băn khoăn như có nên bỏ việc theo đuổi đam mê, có nên học thêm cái này cái kia để tăng mức độ cạnh tranh, có nên mở ra làm riêng hay vẫn đi làm thuê, v.v thì trước tiên hãy nhìn thật kỹ xem bạn muốn làm những điều đó để giải quyết nhu cầu gì của bạn. Những câu hỏi mà tôi thích đặt ra là:

  • Tôi muốn làm điều này vì nhu cầu gì của bản thân?

  • Nếu biết trước sẽ thất bại tôi có làm không?

  • Tôi sẵn sàng tốn bao nhiêu tiền để làm điều đó?

  • Khi nào thì tôi sẽ dừng lại không làm nữa? - đây là một câu hỏi quan trọng vì nó chính là khái niệm cắt lỗ cut loss

  • Có cách nào làm mà tốn ít tiền nhất có thể không?

  • Những việc gì không làm cũng được? Và những việc gì không làm không (chịu) được?


Ở các bài viết tiếp theo, bạn sẽ đi cùng tôi tiếp tục trên hành trình mở và đóng studio và sẽ quay lại với những câu hỏi này. Đừng bỏ lỡ nhé!

339 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page