top of page

Yoga Business 105: Biết mình & biết điểm dừng

Đã cập nhật: 5 thg 11, 2023

(Series “Tôi đã mở (và đóng) phòng tập yoga như thế nào)

Tôi đã gieo xuống một ý muốn, hay cũng có thể gọi là một ước nguyện là sẽ mở một phòng yoga riêng để có thể sử dụng toàn thời gian cho việc tổ chức lớp yoga và quay video về yoga (như các bạn có thể xem trên kênh Youtube Hà My Yoga cũng như trên website hamy.yoga). Giờ thì tôi chờ cho hạt giống này nảy mầm.


Tôi rất thích câu chuyện về Lã Vọng chờ thời. Đây là một câu chuyện đậm tính chất vô vi của Đạo Giáo (Taoism).


“Khương Tử Nha (Lã Vọng) đoán trước được sự suy tàn mạt vận của nhà Thương nên ngày ngày ra câu cá  bên bờ sông Vị, chờ thời cơ để lập nghiệp lớn. Dân chúng trong vùng cho là ông là kẻ quái nhân, kỳ nhân dị sĩ. Được bề tôi giới thiệu, Cơ Xương có lòng ngưỡng mộ đích thân đến sông Vị để được diện kiến thánh nhân.

Đến bờ sông thì thấy ông lão 80 tóc bạc phơ phong thái đạo mạo ung dung buông cần. Lạ thay thấy Lã Vọng câu cá không mồi. Thấy vậy Cơ Xương liền lại hỏi, Lã Vọng vẫn giữ vẻ điềm tĩnh trả lời: “Lão phu vẫn có thói quen câu cá không cần mồi, cá không cần phải cắn câu, đợi người có lòng sẽ tự động cắn câu”.


Tất nhiên tôi cũng không làm những việc kinh bang tế thế lớn lao đến như vậy. Nhưng tôi muốn chia sẻ với bạn rằng tôi rất thích tư tưởng vô vi. Đừng cố gắng quá nhiều. Hãy buông theo dòng chảy (go with the flow). Gieo một ý định, và kiên nhẫn chờ những điều kiện thuận lợi cho hạt giống đó nảy mầm. Khi bạn có ý muốn thay đổi công việc, mở ra kinh doanh riêng, có thể kinh doanh phòng tập hoặc lĩnh vực khác, và rộng hơn là muốn thay đổi cuộc sống ở mặt nào đó, thì thường chúng ta sẽ hình dung một sự thay đổi hoàn toàn và nhanh chóng. Kiểu như đến chỗ làm đập xuống bàn sếp một tờ giấy bỏ việc, ra lấy ngay mặt bằng mở kinh doanh riêng, trang trí nội ngoại thất đẹp như tạp chí, khai trương thật hoành tráng múa lân sư rồng, vân vân. Hãy giữ những điều kịch tính đó ở trong tưởng tượng của bạn - nghĩ đã thấy phê rồi, nhưng hãy kiên nhẫn chờ thời, đó là khi hội tụ đủ các yếu tố để bạn có thể hành động.


Trong lúc chờ đợi một mặt bằng hợp lý để tôi có thể thuê và bắt đầu phòng tập yoga, tôi đi gặp một chuyên gia tư vấn mở doanh nghiệp nhỏ. Điều thú vị là tôi được biết đến dịch vụ tư vấn này do một bạn học viên yoga mách cho khi biết tôi có ý định mở phòng yoga. Đây là dịch vụ tư vấn miễn phí của trường đại học, phải đặt lịch, mỗi buổi kéo dài 1 giờ. Mới đầu tôi nghĩ chắc là do các bạn sinh viên ngành business tư vấn nên mới free. Nhưng tôi thật ngạc nhiên khi người tư vấn lại là một bác lớn tuổi trông rõ ràng là một nhà tư bản lọc lõi. Hãy gọi bác là bác M. Chính bác cũng giới thiệu bản thân là một capitalist (nhà tư bản) làm việc nhiều năm trong lĩnh vực phát triển các công ty dược và bán cho các tập đoàn lớn hơn.


Thật sự có hơi sốc vì tôi đến đây với một ý tưởng nhỏ nhoi và kỳ vọng gặp 1 bạn sinh viên ngành business giúp tôi hệ thống lại những gì cần làm và xem xét tính khả thi của ý tưởng. Dù sao thì tôi cũng chỉ muốn mở một phòng yoga nhỏ chứ không phải start up gì to tát. Nhưng đây là cơ hội quý giá để tôi được một chuyên gia như bác M tiếp chuyện hàng tuần.

Tôi, bác M (mentor) và bạn Ly (business partner của tôi, người cực kỳ quan trọng sẽ nói đến ở bài sau)

Ở bài trước tôi đã nói đến market research - nghiên cứu thị trường hay gọi dân dã là đi “đánh võng phòng tập”, tức là tôi đã đi tập thử các loại phòng tập, trò chuyện với chủ phòng và giáo viên, follow họ trên các trang mạng xã hội và xem hết các ảnh, video, sự kiện họ đăng cũng như xem hết website của họ xem có những loại hình sản phẩm yoga gì, giá tiền ra sao. Được cái tính tôi rất tò mò. Và giờ tôi còn làm thêm một bước nữa đó là lên trang web của sở thuế xem báo cao doanh thu lãi lỗ của các phòng tập và tổng hợp thành một bảng excel. Cũng như ở các bài trước, tôi đã kể rằng ở Thuỵ Điển, bất kỳ ai kinh doanh dù là nhỏ lẻ hay làm freelance cũng phải đăng ký công ty và đóng thuế, thông tin đều công khai nên tôi có thể truy cập khá đơn giản.


Tiếp theo tôi làm một bảng tính excel khác để dự trù chi phí hàng tháng, doanh thu hàng tháng cần có để chi trả chi phí và từ đó quy ngược ra xem nếu tôi dạy x lớp mỗi tuần thì tôi cần bao nhiêu học viên mỗi lớp, và mỗi học viên đóng bao nhiêu tiền. Từ đây có thể bắt đầu hình thành gói tập và lịch tập. Tôi chia làm các giai đoạn: từ giai đoạn đầu một mình tôi dạy với số học viên ít ỏi tầm chục người mà tôi hiện có, dần dần tới số học viên nhiều lên và thuê thêm giáo viên, dự trù cả chi phí lương trả cho giáo viên. Tất nhiên chỉ có giai đoạn đầu là sự thật, còn các giai đoạn sau vẫn đang là giả thiết. Doanh thu, chi phí cũng chỉ là giả thiết. Nhưng việc lập ra một bảng như thế này giúp tôi nhìn thấy một bức tranh dù chỉ là giả thiết, cũng đỡ mông lung hẳn. Tôi đã nhìn ra cái giá mà tôi phải trả để duy trì và phát triển một studio: là chi phí hàng tháng, và cũng là công sức của tôi phải tìm ra được số lượng học viên để lấp đầy các lớp trên lịch, và dạy các lớp đó mỗi tuần nữa.


Việc lập ra bảng như thế này cũng giúp tôi nhìn thấy một điều quan trọng nữa, đó là khoảng cắt lỗ. Bạn biết tôi rồi đấy, làm gì tôi cũng nghĩ tới tình huống xấu nhất. Và lúc này khi chưa bắt đầu mở phòng, tôi đã quyết định: Tôi sẽ chỉ duy trì phòng tập khi nó không lấy thêm tiền từ tôi. Tức là ít nhất nó phải có doanh thu đủ để chi trả chi phí. Đây là bởi vì tôi không có tiền để rót vào bù lỗ. Có những người mở những phòng tập hay business lớn hơn, rót tiền vào đầu tư nhiều và chấp nhận bù lỗ thời gian đầu, nhưng tôi không phải một trong số họ. Khẩu vị rủi ro và khả năng gồng gánh của mỗi người mỗi khác.


Đương nhiên vẫn phải có số tiền đầu tư ban đầu như đặt cọc, trả tiền nhà tháng đầu, mua sắm dụng cụ vân vân, thì số tiền này tôi xác định chỉ sử dụng trong phạm vi số tiền mà tôi có được trong khoảng thời gian dạy yoga trước đó, kiểu “mỡ nó rán nó”. Rất may là vì do phải lập công ty cá nhân nên tôi có một tài khoản riêng dành cho hoạt động dạy yoga. Tôi dự định các khoản chi ban đầu chỉ lấy từ số tiền này, có ít dùng ít có nhiều dùng nhiều. Và tôi mong muốn rằng ngay từ tháng đầu tiên thì phòng tập sẽ phải tự trả được các chi phí của nó. Điều này có nghĩa là:

  1. Tôi phải kiếm ra thật nhiều tiền (tăng doanh thu)

  2. Tôi phải giảm thiểu chi phí

Mà số 1 thì rất khó làm nên tôi chọn làm số 2 trước.


Nhờ những buổi đi gặp và trao đổi với bác M mà tôi đã xác định được:

  • Tôi sẽ chỉ mở studio khi tôi tìm được mặt bằng nằm trong khoảng chi phí mà tôi chịu được để ít nguy cơ bị lỗ nhất có thể.

  • Và tôi sẽ chỉ duy trì studio nếu nó tự trả được chi phí hàng tháng cho nó, tức là tôi sẽ đóng studio khi tôi phải bỏ thêm tiền vào để duy trì nó.

Trong bảng excel tôi thực hiện có tính cả lương dạy mỗi buổi vào phần chi phí. Tôi để một mức lương khá bèo. Một cái sai lầm lớn của những người tự mở ra kinh doanh là không tính lương cho bản thân, cứ “lấy công làm lãi”. Đây là một sai lầm rất dễ mắc, bản thân tôi cũng đã mắc vài lần. Khi mở ra kinh doanh có 3 trường hợp xảy ra. Một, là làm ăn được, kinh doanh thành công, vậy ok tốt quá. Hai, là kinh doanh thất bại tè le, phải đóng cửa sập tiệm. Ba, là kinh doanh tàng tàng, không đủ tốt để có lãi, cũng không đủ tệ để sập tiệm. Tôi nghĩ trường hợp số 3 là tình huống tệ nhất. Cứ như sa vào một vũng lầy không chìm hẳn mà cũng không nổi hẳn, vẫn cứ nai lưng ra làm “lấy công làm lãi” mà thật ra là lỗ vì không trả lương cho bản thân hoặc trả quá bèo bọt, và đánh mất thời gian cũng như chi phí cơ hội và sức khoẻ tinh thần khi cứ bị trói chân vào cái business đó. Nếu ở trong hoàn cảnh đó lâu thì đam mê mấy cũng thành chán ghét, đặc biệt nếu bạn không có nhiều tiền - như tôi. Chẳng thà tình huống số 2: kinh doanh sập tiệm thất bại ngay và luôn thì còn đau 1 lần rồi thôi, dọn dẹp chiến trường và về nhà ngẫm nghĩ bài học rồi chờ thời cơ. Còn hơn cứ ngắc ngoải bám vào một tia hi vọng mờ mịt.


Một điều thú vị tôi nhận ra là bác M với con mắt của một nhà tư bản, thì điều làm bác quan tâm nhất là doanh thu tiềm năng của studio. Tức là chưa có studio nào cả, mọi thứ vẫn chỉ ở trên file excel, nhưng bác í đã khoanh ngay ra được doanh thu tiềm năng của studio ở mức độ nào và studio của tôi sẽ đứng cùng đẳng cấp với những đối thủ nào. Tôi cực kỳ ngạc nhiên vì chưa có cái gì là sự thật, và tôi cảm thấy mình quá nhỏ bé như con tép riu. Tôi không nghĩ là mình tự ti, mà tôi chỉ đang thực tế. Chính vì vậy bác M khuyến khích tôi bỏ vốn lập công ty trách nhiệm hữu hạn (thay vì công ty cá nhân) và vay thêm vốn ngân hàng để chơi lớn. Mới đầu tôi cũng rất hăng máu định làm thế, nhưng sau tôi thấy đây không phải là lúc để làm những việc to lớn như vậy. Bắt đầu từ những cái có sẵn, cái gì chưa cần làm thì đừng làm vội, chỉ cần làm những việc cần làm. Một lúc nào đó tôi cũng nghĩ chắc bác M thấy mình cũng kém tắm ghê, làm ăn lom dom =)) nhưng tôi mừng vì mình đã nghe theo những gì mình hiểu về bản thân mình.


Nói về chi phí cơ hội. Tôi quyết định sẽ đóng studio khi cảm thấy studio bắt đầu cắn tiền của mình thay vì tự nuôi nó hoặc mang thêm tiền cho mình. Mở ra một phòng tập không chỉ đơn giản là một tuần tôi dạy vài lớp là xong. Thời gian còn lại là các công việc bao gồm điều hành trang web hoặc trang book lớp, làm công việc khổng lồ là marketing lôi kéo người đến tập thông qua đăng bài trên mạng xã hội, gửi email, làm content, rồi chăm sóc lau dọn studio, v.v Những việc này sẽ ngốn khá nhiều thời gian và tôi có thể bị sa lầy vào một studio không thành công cũng chưa thất bại và không nhìn thấy các cơ hội khác. Đây là một quyết định theo tôi là quan trọng nhất, vì tôi đã xác định được điểm cắt lỗ trước cả khi mở ra =)) Như tôi đã nói với bạn, tôi đã kinh doanh thất bại một số lần, và kiến thức về tài chính cũng khá hẻo. Nên nếu một người như tôi có lời khuyên gì dành cho bạn, thì đó là hai điều quan trọng nhất tôi đã tìm ra khi đi gặp nhà tư vấn kinh doanh:

  1. Hãy biết mình là ai và mình muốn gì và cần gì. Đừng mở to vì người ta bảo làm ăn phải máu lên. Đừng mở nhỏ vì người ta bảo làm ăn phải cẩn thận kẻo lỗ. Đừng mở ra kinh doanh vì người ta bảo phi thương bất phú. Hãy biết mình muốn gì cần gì, và sẵn sàng trả những chi phí gì.

  2. Xác định lúc dừng lại. Trong đầu tư người ta gọi là điểm cắt lỗ. Trong kinh doanh nhỏ lẻ khá khó nhìn thấy vì chi phí không thể hiện rõ mồn một ra thành các con số và các khoản tiền. Bạn phải bỏ nhiều công sức, thời gian và sức khoẻ tinh thần vào business. Nhiều khi tiền nong cũng nhập nhằng giữa cá nhân và công việc. Tôi biết rõ mình không phải là một người cẩn thận chi li ghi chép kế toán đầy đủ. Đôi khi làm ăn sa lầy quá (trường hợp số 3) chán không buồn ghi chép, sợ không muốn đối mặt với bảng kế toán. Vậy nên thời điểm cắt lỗ của bạn có thể trừu tượng hơn, ví dụ tôi sẽ dừng lại khi business này ảnh hưởng tới sức khoẻ tinh thần của tôi (thấy mệt mỏi thay vì hào hứng, thấy ghét khách hàng thay vì yêu khách hàng), ảnh hưởng tới gia đình (mang buồn chán bực dọc về trút lên đầu gia đình), hay như trường hợp của tôi là tôi sẽ dừng lại khi business bắt đầu lấy tiền của tôi.

Hai điều này như cột mốc giúp tôi không bị sa lầy.

Hi vọng rằng bài viết này giúp cho bạn. Ở bài sau, tôi sẽ nói về việc tìm được mặt bằng thực sự mở ra studio và một người cực kỳ quan trọng - business partner.




P.S: Về sau thì tôi có học khoá Kết nối với tiền và được chị Hiếu hướng dẫn lập bảng tài chính cá nhân (gọi một cách rất dễ hiểu là Xây nhà cho tiền) nên kiến thức tài chính của tôi có tăng từ level 0 lên level 1. Bạn quan tâm có thể liên hệ qua Facebook Kết nối với tiền để tham gia các khoá học và các workshop của chị Hiếu nhé!

305 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page