Yoga Business 106: Đừng vung tiền
top of page

Yoga Business 106: Đừng vung tiền

Câu chuyện về tôi đã mở (và đóng) phòng tập yoga như thế nào.


Tôi rất chậm rãi và cẩn trọng trong việc tìm mặt bằng để mở phòng tập. Tôi tự đặt ra một cái ngưỡng là tôi sẽ chỉ lấy mặt bằng trong phạm vi tôi có thể chi trả, tức là khoảng bằng hoặc chỉ hơn một chút so với số tiền tôi đang bỏ ra để thuê phòng theo giờ khi đó. Thật ra là nếu hơn thế thì tôi cũng chịu không thể chi trả được, vì khi thuê mặt bằng cần đặt cọc tương ứng 3 đến 6 tháng tiền nhà nữa. Tôi cũng có thể làm như bác M. người hướng dẫn và đưa lời khuyên về business mà tôi đi tham vấn, đó là chơi lớn, lập công ty trách nhiệm hữu hạn và vay tiền ngân hàng. Và tôi cũng suýt lập cơ đấy, nhưng chắc do tính thích trì hoãn nên tôi cũng không lập.


Nhìn lại thì quả thật đối với những KHOẢN CHI thì hãy trì hoãn được bao lâu tốt bấy nhiêu. Ý tôi là khoản chi chứ không phải khoản nợ nhé, hãy trả nợ đúng hạn nhưng hãy trì hoãn chi tiêu. Đây là một bài học mà tôi đã học đi học lại trong suốt cái quá trình mở - vận hành và đóng studio, và bạn sẽ được nghe nhiều hơn về việc trì hoãn chi tiêu ở đoạn sau của bài này, đọc tiếp nhé!


Một cơ hội lớn đến với tôi khi tôi gặp được đúng người. Thiên thời - địa lợi - nhân hoà. Tôi quen biết Ly là một entrepreneur trong lĩnh vực làm đẹp là nhờ có lần bạn tham gia một lớp yoga của tôi. Sau đó thỉnh thoảng chúng tôi đi cà phê trò chuyện về công việc và cuộc sống. Ly rất chững chạc, quyết đoán nắm bắt cơ hội và rất quyết liệt tiến lên với các ý tưởng kinh doanh. Rồi một hôm Ly bảo tôi: chúng mình share mặt bằng kinh doanh đi. Khi đó bạn muốn mở rộng không gian cho các khoá đào tạo làm đẹp và mở thêm business về trà sữa trân châu đang rất mới lạ ở Thuỵ Điển.


Tôi đồng ý ngay và chúng tôi cùng nhau tìm mặt bằng.


Phòng tập yoga thực ra có rất nhiều thời gian trống. Chỉ có 1 số giờ hot như sáng sớm trước giờ làm việc, buổi trưa được nghỉ, và buổi tối sau giờ làm việc là mọi người thường đi tập. Đặc biệt trong trường hợp của tôi là một studio rất nhỏ chỉ một mình tôi dạy, và có rất ít học viên, thì tôi dự định thời gian đầu chỉ có 5-6 lớp / tuần trên lịch. Vậy thì tôi có rất nhiều thời gian trống, tôi có thể tận dụng để quay video về yoga, hay làm các dịch vụ khác như lớp PT 1-1, v.v. Nhưng nếu share với một business khác thì chúng tôi sẽ cắt giảm được chi phí rất nhiều và tối ưu công năng sử dụng của mặt bằng.


Ngoài ra thì Ly là một người uy tín, rõ ràng và sòng phẳng. Tuy không phải là bạn siêu thân nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng bạn nhờ quan sát những gì bạn làm và mối quan hệ của bạn với mọi người.


Và cuối cùng thì chúng tôi cũng chốt được một mặt bằng. Phải nói đúng ra là Ly với tính cách quyết đoán đã thông báo cho tôi là sẽ lấy mặt bằng đó dù tôi có tham gia hay không. Và tôi quyết định có theo.

Hình ảnh mặt bằng không gian phòng tập yoga
Ảnh trên: phòng trong là phòng tập yoga và ảnh dưới là phòng ngoài tức sảnh chung khi khách hàng vào sẽ bước vào đây đầu tiên

Mặt bằng này có tường màu trắng và sàn màu bê tông, phòng tập yoga rộng khoảng 35-40 m2 chứa được tối đa 10 thảm. Tuy nhiên các bạn tây rất cao lớn, tay chân dài nên để thoải mái nhất thì 9 thảm là tốt nhất. Tôi có thể dạy yoga mà không cần có thảm riêng của mình, điều này tôi đã học được sau quá trình chăm chỉ dạy lớp ở Hà Nội. Nó gần giống như những gì tôi vẽ ra trong suy nghĩ về một phòng tập yoga mơ ước. Phòng này có một cái cửa kính rất lớn nhìn ra đường. Tổng thể cảm giác rất đơn giản và thoáng đãng.

Một lớp Yoga phục hồi 9 thảm
View cửa sổ phòng tập nhìn ra góc phố
View cửa sổ phòng tập nhìn ra góc phố

Chắc các bạn cũng hiểu cái cảm giác giống như tôi khi đó. Ngay lập tức tôi bắt đầu mơ tưởng đến việc mua sắm đồ trang trí, mua những tấm gương lớn gắn lên tường, những chiếc đèn mờ ảo, những cái giá kệ tủ để đồ đạc và cho học viên để giày dép quần áo. Rồi là treo 5 6 chiếc võng lụa tập yoga bay lên trần. Có một sảnh chung lớn trong không gian mặt bằng này, và tôi đã nghĩ đến việc đến IKEA mua sắm ghế bàn ghế sofa rồi chậu cây các loại để trang trí. Rất may là ngân sách hạn hẹp chứ không tôi cũng đã đi mua tất cả những thứ đó rồi. Thôi chưa mua được ngay thì mua dần dần. Tôi sắm trước 1 cái kệ để dụng cụ yoga và 1 kệ cho học viên để giày dép và treo áo khoác. Sau đó tôi chuyển lớp yoga về đấy ngay lập tức. Thật ra việc tập yoga khá đơn giản, chỉ cần có không gian tĩnh lặng trải thảm ra là tập được, không cần quá cầu kỳ. Và thật bất ngờ là học viên họ lại thích cái không gian vườn không nhà trống ở đó. Họ bảo tôi rằng đừng mua gì thêm, đừng trang trí gì thêm, họ thích trống trơn như thế này. Cũng đừng mua gương vì họ không thích nhìn thấy chính mình trong gương khi tập. Vậy bài học rất quan trọng tôi có được đó là: Hãy trì hoãn chi tiêu mua sắm. Khi đang cao hứng mới mở business chúng ta sẽ rất phấn khởi mua cái nọ cái kia nghĩ là đang đầu tư, đang làm tốt cho cái business của mình. Nhưng thực tế là có thể khách hàng không thích, không cần những thứ đó. Vậy hãy bắt đầu với những gì sẵn có rồi lắng nghe xem khách hàng muốn gì để tiến bộ hơn.

Hai học viên tập yoga thư giãn
Không ngờ học viên họ lại thích phong cách vườn không nhà trống này

Thật sự tôi nhớ và hiểu rất rõ cái cảm giác sùng sục khí thế muốn vung tiền mua sắm để trang trí, chăm chút cho cái studio nhỏ của mình. Tôi đã từng thất bại ở một vài mặt trận khác, và nhìn chung đều xuất hiện cảm giác này. Nhưng tiền là máu của một business. Nếu bạn có nhiều tiền rồi, mở business cho vui vì đam mê, sẵn sàng đổ thêm tiền vào nó do sở thích, thì không nói làm gì. Nhưng đa phần chúng ta mở ra làm ăn đều có kỳ vọng sẽ có dòng tiền. Hãy bắt đầu từ những gì mình có. Đừng cao hứng mua sắm tẹt ga, hay nhập hàng tùm lum. Tăng xin, giảm mua (đừng tích cực cầm nhầm). Hãy thử thách tính sáng tạo của bạn bằng cách nghĩ ra những cách ít tốn kém nhất để xử lý vấn đề.


Sau khi đóng studio và nghỉ để sinh em bé, tôi bắt đầu mua sắm đồ trẻ em trên chợ Facebook Marketplace, nơi mọi người rao bán đồ đã dùng. Và lúc này tôi mới sáng mắt ra khi thấy người ta thanh lý tủ kệ, đèn đóm, gương rẻ quá trời, bằng 1/10 giá mua mới. Thậm chí có những trường hợp chuyển nhà mà ngại không muốn khuân đồ đi vứt, nên cho không chẳng mất đồng nào, miễn là người mua chịu đến khiêng đồ đi cho họ. Hay có trường hợp dẹp tiệm không kinh doanh nữa, rao bán thanh lý tất cả những đồ đạc mà họ đã mua. Thậm chí kinh doanh báo phá sản, bàn giao toàn bộ đồ đạc cho công ty chuyên xử lý phá sản để họ bán đấu giá.


Thực tế là sau khi tôi không làm phòng tập nữa, tôi đã thanh lý toàn bộ block, dây, gối tập yoga với giá rất tốt cho các giáo viên yoga khác. Tuy nhiên khi mua những dụng cụ này, tôi đã tra google và so sánh giá kỹ càng, săn sale black friday để mua được những món hời nhất với chất lượng ổn nhất có thể. Nên khi thanh lý tôi cũng không bị lỗ mấy, mà các bạn giáo viên yoga mua lại của tôi cũng được giá rất tốt với chất lượng rất ổn.


Sau khi đọc bài này, các bạn hãy suy nghĩ về điều mình đang muốn làm, và thử nghĩ xem có cách nào đơn giản hơn, quy mô nhỏ hơn, ít tốn kém hơn để làm điều đó? Có nhất thiết bạn phải bỏ phắt công việc đang làm để khởi sự kinh doanh hay chạy theo đam mê không? Có nhất thiết phải mua sắm thật đầy đủ rồi mới bắt đầu? Tôi đã gặp bài học này rất nhiều lần - cứ vung tiền ra mua cái nọ cái kia nghĩ rằng nó sẽ giải quyết được vấn đề. Tôi sẽ kể chi tiết hơn ở một bài viết sau.


Nhưng chính vì đã phần nào học được bài học này mà tôi bắt tay viết series yoga business 101 - đó là vì tôi có một mong muốn tổ chức khoá đào tạo giáo viên Yoga, nhưng trong đó phải có phần dạy về Yoga Business. Tôi không phải là một studio lớn có thể đảm bảo đầu ra việc làm cho học viên, nhưng nếu tổ chức đào tạo giáo viên, tôi mong muốn học viên học xong vẫn có thể làm nghề. Và tôi chọn bắt đầu nhỏ dựa trên những gì sẵn có: đó là buổi đêm khi em bé đi ngủ, tôi mở điện thoại ra viết lại những trải nghiệm của mình. Tôi có thể không phải giáo viên yoga giàu nhất, nổi tiếng nhất, thành công nhất. Nhưng tôi tin rằng đọc xong các kinh nghiệm của tôi bạn sẽ quản trị rủi ro tốt hơn và theo đuổi đam mê một cách an toàn hơn.


Chắc cũng giống như cách tôi dạy yoga. Cứ an toàn tránh chấn thương cái đã rồi làm gì thì làm nhỉ?


Hẹn gặp bạn ở bài viết sau nhé!




P.S: nếu bạn muốn được đào tạo trong ngành beauty đạt chuẩn để làm việc tại các nước EU - hãy liên hệ Trần Hương Ly, cô bạn của tôi, qua L.T Beauty Line - trường dạy nghề beauty chuẩn EU https://www.facebook.com/l.t.beautyline


159 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page