Yoga Business 109:  Từ bỏ không có nghĩa là từ bỏ cả giấc mơ
top of page

Yoga Business 109:  Từ bỏ không có nghĩa là từ bỏ cả giấc mơ


Tôi từng quen một cô bạn khác, tạm gọi là bạn C., cũng là giáo viên yoga. Bạn có một studio nhỏ xíu chỉ đủ 6 thảm và chỉ là một phòng trong một căn hộ. Sau đó bạn đứng ra thuê mặt bằng và mở rộng studio.


Nói sơ qua về mặt bằng này, rộng tới 80 mét vuông nhưng hình dạng dài, mặt tiền khoảng 4-5 mét. Mặt tiền có một cửa kính lớn nên rất sáng. Một điểm trừ là đây là một chung cư cũ có tầng hầm nên ở giữa nhà lại có 1 cầu thang xoắn đi xuống tầng hầm. Vậy nên bị mất một phần diện tích do cái cầu thang này và mặt bằng cũng bị chia cắt một chút.


Mặt bằng phòng tập yoga cần diện tích lớn hơn để chứa số ít người hơn so với các hoạt động khác. Ví dụ như lớp học tiếng Anh thì mọi người ngồi trên bàn ghế, lớp có 10 người sẽ cần diện tích nhỏ hơn so với lớp yoga mỗi người một thảm. Vậy nên một mặt bằng vuông vắn không bị chia cắt, không thò thụt là lý tưởng nhất. Do đặc thù của hoạt động tập yoga mà không gian cũng cần thoáng khí, ánh sáng tự nhiên, tĩnh lặng và có thẩm mỹ để giúp tinh thần thư thái.


Tôi đến giúp bạn C. trong quá trình sửa studio. Ngày đầu tiên tôi đến thấy không gian rộng như vậy tôi tưởng bạn sẽ để toàn bộ diện tích dành cho lớp yoga. Nhưng không, hoá ra bạn sẽ ngăn diện tích cho 1 phòng to để làm quầy lễ tân và bán đồ ở ngoài cùng gần cửa sổ lớn. Sau đó lại ngăn 1 phòng vuông không có cửa sổ để làm phòng massage trị liệu reiki. Rồi sau nữa mới đến không gian tập yoga ở tít trong cùng.


Khi nghe thấy kế hoạch như vậy tôi đã thấy một sự lãng phí không gian rất lớn. Càng xếp được nhiều thảm thì bạn càng dễ kiếm ra nhiều tiền.


Và lần tiếp theo tôi đến thì đã thấy dựng xong những bức tường thạch cao ngăn không gian theo ý bạn và tôi đã có linh cảm phòng tập này đã là một thất bại ngay từ khi nó chưa đi vào hoạt động.


Bởi vì sau khi phân chia không gian thì phòng tập yoga chỉ còn khoảng 20-30m2. Tôi không có thước đo chính xác. Nhưng nó rất nhỏ, trong khi bạn vẫn phải trả tiền cho 80m2. Và phần đẹp nhất của mặt bằng là cửa sổ kính lớn lại không dành cho hoạt động tập yoga. Phòng yoga bị đẩy tít vào trong cùng. Đây lại là một toà chung cư, và chung cư ở châu Âu thì tuổi đời có thể lên đến 100, nên không gian yoga bị đặt ngay dưới gầm cầu thang của chung cư, tối nhất, góc trong cùng lại bị cắt chéo bởi cầu thang, và thường xuyên có những tiếng ống nước của hệ thống nước chung cư.


Một lưu ý nữa trong phòng yoga là nếu phòng không có cửa sổ thì sẽ cảm giác ngột ngạt hơn nhiều và sức chứa kém đi, so với một phòng cùng diện tích nhưng sáng sủa, có cửa sổ và khí trời.


Nhưng tôi không đủ dũng khí và thân thiết để nói với cô bạn này là bạn ơi, phòng tập này sẽ không thể thành công vì nó đã thất bại rồi. Bạn tìm đường lui đi thôi! Và cô ấy vừa mở một công ty TNHH để vận hành studio và cũng vừa ký hợp đồng 3 năm và đóng cọc 3 tháng cho mặt bằng này.


Và sau đó thì phòng tập này ngốn hết tiền của, công sức và thời gian của cô ấy. Tôi chỉ có thể tưởng tượng ra nó là một gánh nặng cỡ nào. Cô ấy như sa vào một vũng lầy.


Một hôm tôi thử hỏi cô ấy: sao bạn không cho công ty của bạn phá sản đi để thoát khỏi cái mặt bằng đó? Lưu ý: đây là công ty TNHH nên khi nó phá sản thì cô ấy gần như không phải chịu trách nhiệm gì. Tất nhiên cô ấy sẽ mất số tiền bỏ vào từ trước tới giờ, nhưng cô ấy sẽ thoát ra khỏi vũng lầy và cả đống stress.


Nhưng cô ấy nói: Cái gì? Phá sản á? Nhưng tôi muốn theo đuổi đam mê của mình!


Tôi đã nghĩ về điều đó rất nhiều.


Nếu cô ấy thực sự đam mê dạy yoga thì không có cái phòng tập này cô ấy vẫn có thể làm được. Dạy yoga ở nhà mình, dạy nhóm nhỏ, dạy 1-1, làm video chia sẻ về yoga, dạy yoga ngoài công viên, v.v rất nhiều cách để cô ấy có thể thực hiện đam mê dạy yoga mà không cần sa lầy vào cái business đó.


Đam mê khác với công việc kinh doanh.


Bạn hoàn toàn có thể làm điều bạn thích mà không biến nó thành công việc kinh doanh.


Hoặc bạn có kinh doanh điều bạn đam mê nhưng không biến nó thành một gánh nặng trong cuộc đời bạn. Vì khi đó thì đam mê cũng tắt.


Có một câu nói hài hài tôi đọc ở đâu đó là: Đừng biến đam mê thành công việc vì khi đó bạn sẽ phải đi tìm một đam mê khác. Trước đây tôi không hiểu, tôi không muốn như vậy. Tôi cũng như bao người khác đã bị các nhà tư bản phương Tây nhồi nhét tư tưởng là “hãy biến đam mê thành công việc và bạn sẽ không phải đi làm ngày nào”.


Theo bạn thì ai là người hưởng lợi nhiều nhất khi cô bạn tôi mở studio rồi phải đóng? Đó chính là chủ nhà và ngân hàng :))))))


Nói điều này không có nghĩa xem nhẹ đam mê. Mà trái lại tôi nghĩ hãy thật trân trọng đam mê của mình và thật cẩn trọng khi muốn kiếm tiền từ nó.


Hãy nghĩ xem bạn có thể lan toả những điều bạn yêu thích đến mọi người như thế nào để giúp họ, mà bạn không bị “mất đi” quá nhiều. Chỉ khi bạn có đủ thì bạn mới có thể cho đi.


Cô bạn C. thì sau đó đã đóng cửa studio. Tôi cũng không rõ chi tiết. Giờ thì cô ấy hoạt động tích cực trên instagram thực hiện các challenge và give away của các yogi trên IG để thu hút lượt follow, và thỉnh thoảng dạy 1 vài lớp yoga. Cô ấy đã tìm ra những cách khác để thực hiện giấc mơ của mình.


Tôi có câu hỏi dành cho bạn:


Bạn đang có giấc mơ gì?

Bạn đang có đam mê gì?

Bạn hãy nghĩ ra những cách dễ nhất, tốn ít tiền nhất, tốn ít công sức nhất để thực hiện những điều đó. Những cách mà bạn có thể làm được ngay và luôn.


Và hãy thực hiện ngay và luôn!

122 lượt xem1 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page