Yoga Business 102: Từ lớp free lên lớp đóng tiền
top of page

Yoga Business 102: Từ lớp free lên lớp đóng tiền

(Câu chuyện về tôi đã mở (và đóng) phòng tập yoga như thế nào)


Bài viết hôm nay bắt đầu có các vấn đề tài chính, quản lý, marketing và chăm sóc khách hàng.


(Nghe oách phết nhưng thật ra đều ở tầng cơ bản =)))


Ở phần 1, bạn đã biết một chút về background của tôi và những bước đầu tiên thu hút sự chú ý của những người thích tập yoga khi tôi chuyển tới sinh sống ở một đất nước xa lạ (Thuỵ Điển).


Hôm nay, tôi sẽ kể cho bạn sau đó tôi tiến lên thành lớp yoga thu tiền như thế nào và những tư duy và bài học về chuyện tài chính, quản lý, marketing và chăm sóc khách hàng. Xin nhắc lại, bạn đang đọc kinh nghiệm của một người thất bại lên xuống. Bạn cũng có thể coi tôi là một người thành công trong việc thất bại, vì tôi đã có lịch sử sập tiệm một vài business khác rồi, và tôi thấy vẫn ổn, lần thất bại sau tôi lại đỡ thất bại hơn lần thất bại trước =)) và giờ đây kể cả có thất bại tôi cũng không cảm thấy mình là kẻ thất bại. Vậy là đã đạt đến cảnh giới cao của thất bại hay chưa 😊 Ở đây có thể không có bài học thành công nào cả, nhưng sẽ có bài học thất bại, và tôi nghĩ rằng bạn sẽ thấy ồ cùng lắm thì thất bại là như thế này, chả sao cả, vậy mình đang thích làm gì thì cứ làm thôi.


Tôi là một người theo chủ nghĩa bi quan (pessimism), làm gì tôi cũng nghĩ đến thất bại đầu tiên. Tôi sẽ nghĩ đầu tiên là mất gì, rồi sau đó mới là được gì. Sau khi xác định cái giá phải trả, tôi sẽ quyết định có làm điều đó hay không. Có nhiều người “dạy làm giàu” sẽ nói với bạn rằng chưa làm đã nghĩ đến thất bại là hỏng, nhưng tôi thấy điều đó còn tuỳ vào bạn là kiểu người như thế nào. Nếu bạn giống như tôi, thích xác định các khả năng xấu nhất có thể xảy ra, thì không thể bắt bạn lạc quan tếu và cố nghĩ đến những điều tốt đẹp. Cũng có những người luôn lạc quan nghĩ đến kết quả tốt nhất. Nhưng cũng giống trong tập yoga, cái chúng ta tìm kiếm là sự PHÙ HỢP và CÂN BẰNG. Hãy làm những điều phù hợp với bạn, và thực hành những điều mà bạn đang thiếu để đưa bạn về cân bằng.


Trở lại câu chuyện. Sau mùa hè tập yoga miễn phí ngoài công viên, tôi trở về Việt Nam. Khi đó tôi chưa có thẻ cư trú nên phải đi đi về về bằng visa du lịch 3 tháng một. Và khi tôi quay trở lại thì đã sang mùa đông, không thể tập yoga ngoài công viên được nữa. Tôi cũng đã có thẻ cư trú và có thể bắt đầu “kinh doanh cá thể”. Ở Việt Nam thì bạn dạy yoga tự do được bao nhiêu tiền thì tự cầm bấy nhiêu tiền. Nhưng ở Thuỵ Điển và nhiều nước phương tây thì rất chặt chẽ về việc đóng thuế. Mỗi giáo viên yoga phải mở một “công ty cá nhân” để ghi chép kế toán về thu nhập của họ từ dạy studio hay dạy tự do. Mỗi quý và mỗi năm phải quyết toán thuế. Ở Việt Nam, tôi dạy ở studio thoả thuận lương bao nhiêu thì tôi sẽ cầm bấy nhiêu. Nhưng ở Thuỵ Điển thì “công ty” của studio trả phí dịch vụ cho “công ty” của giáo viên yoga, và sau đó giáo viên yoga phải tự đóng thuế. Tóm lại sau thuế thì về tay chỉ còn khoảng 50% cùng lắm là 70% số tiền. Lại còn phải kê khai thuế cho mỗi khoản dù là nhỏ xíu. Điều này cộng với như ở bài trước tôi đã nói, thị trường yoga đã đỏ - tức là đã có quá nhiều studio và giáo viên nhảy vào cuộc chơi, khiến tôi thấy toàn là rào cản.


Tôi liên hệ tới tất cả các studio để xin lớp dạy. Tôi offer dạy thử 1 buổi. Cũng phải viết CV như một công việc nghiêm túc. Nhưng studio nào thiện chí thì cũng chỉ xếp tôi vào hàng ngũ dạy thay - tức là khi có giáo viên của studio bị bận đột xuất không dạy được thì mới đến lượt danh sách dạy thay, và tôi chắc mình nằm cuối danh sách đó 😆. Bởi vì tôi hiểu rằng mỗi studio đều có các khoá đào tạo giáo viên của họ, và họ phải ưu tiên xếp lớp cho giáo viên gà nhà mà họ đào tạo ra. Cũng như tôi khi ở Việt Nam đã được studio nhà ưu tiên xếp lớp.


Nói đến đây thì các bạn giáo viên yoga mới đừng nản, vì tôi đã nhìn thấy có ngoại lệ. Có nhiều người không học đào tạo giáo viên ở các studio mà họ dạy. Họ từ nơi khác đến, đào tạo ở chỗ khác ra, nhưng bằng sự kiên nhẫn, sức hút và cả may mắn, họ vẫn có chỗ đứng. Nhưng không nhiều :) một điều hiển nhiên là studio sẽ có xu hướng sử dụng giáo viên mà họ đào tạo ra, vừa đảm bảo đầu ra cho học viên của họ lại vừa thống nhất về phong cách và kiến thức.


Về việc đi dạy cho các studio khác thấy các trải nghiệm như thế nào, tôi sẽ nói tới ở bài sau.


Còn khi đó đầu năm 2019, tôi quyết định mở lớp yoga thu tiền trên nền tảng học viên từ các lớp miễn phí ngoài công viên. Tôi đã đi tập thử ở gần như tất cả các studio trong thành phố, đã nhìn thấy studio họ ra sao, lớp giáo viên dạy như thế nào, yoga phong cách gì, v.v. Tôi follow mọi studio trong khu vực lân cận trên mạng xã hội, tôi xem hết các bài post của họ và xem hết trang web của họ để biết phong cách, thời khoá biểu, bảng giá, v.v Thấy khá tuyệt vọng về việc được các studio gọi về dạy, tôi chuyển qua hỏi họ về việc thuê phòng để tự mở lớp dạy yoga. Hoặc họ báo giá rất cao tôi không theo được, hoặc ậm ờ rồi không đưa ra báo giá. Lưu ý là ở Thuỵ Điển ngoài giá họ đưa ra thì tôi lại phải đóng thêm 25% thuế VAT nữa nên chi phí trở nên cao một cách lố bịch tôi tự thấy không thể kham nổi.


Mà khi đó tôi chỉ muốn mở một lớp yoga phân khúc giá rẻ và cố gắng kéo đông người đến tập, thay vì giá cao và ít người tập (kiểu này giống như kiểu “boutique studio”). Tôi tư duy rằng những người duy nhất tôi biết ở đây là những người tập yoga free với tôi ngoài công viên, thì yêu cầu họ trả một khoản phí nhỏ rẻ hơn giá tập yoga ở tất cả các studio sẽ hợp lý hơn là đưa ra cái giá cao bằng với thị trường - vì thế thà họ đi tập studio? Vậy tôi muốn mở một lớp yoga đông người với chi phí rẻ. Đọc đến đây hãy đừng nghĩ rằng bạn phải làm giống tôi. Tôi chỉ kể cho bạn cách mà tôi suy nghĩ khi đó. Nếu bạn muốn thu tiền cao, đắt, dạy ít học viên - thì hãy bám theo ý tưởng của bạn và nghĩ cách thực hiện - nghĩ ra “cái giá” mà bạn sẽ trả để thực hiện điều đó.


Thế rồi trong một lần đi “đánh võng phòng tập”, hay còn gọi là nghiên cứu thị trường =)) tức là đến tập yoga xong lân la hỏi hỏi xem có cho thuê phòng không, tôi nhận được một thông tin quý giá từ chị chủ phòng tập. Chị ấy nói: “Nếu thuê phòng theo giờ thì em thuê phòng tập nhảy ấy, rẻ hơn rất nhiều. Phòng yoga đắt lắm.”


Tôi lập tức thay đổi chiến lược, và lên google tìm tất cả các phòng dạy nhảy hoặc các hoạt động khác, có cho thuê theo giờ. Và đó là cách tôi tìm ra phòng tập đầu tiên cho lớp yoga đông người giá rẻ của tôi:



Phòng này vừa rẻ, vị trí trung tâm, vì là phòng của nhà văn hoá thanh niên thành phố cho thuê tất cả các thể loại hoạt động, từ mít tinh hội nghị tới nhảy múa, nghệ thuật, tập kịch tập hát, văn nghệ trẻ em người lớn. Tôi chỉ cần 2,5 người đi tập để có thể trả được tiền phòng 1 giờ (thay vì 10 người nếu tôi thuê studio yoga theo giờ) - phần còn lại là tiền trả công cho giờ dạy đó của tôi.


Phòng này có ưu điểm là sức chứa lớn, phải được tới 20 thảm yoga. Vị trí ngay trung tâm thành phố. Người tập hướng nhìn ra 1 dãy cửa sổ mở ra ánh nắng chan hoà, gió mát, không khí trong lành. Và giá rẻ. Ngoài ra nếu tôi bận thì có thể huỷ đặt phòng trước 24 giờ và không phải trả phí.


Phòng này có nhược điểm là không được để đồ lại, nên tôi không được để dụng cụ như thảm, block, dây, chăn gối yoga. Do phòng này share với nhiều người khác theo những giờ khác nên thi thoảng sàn hơi bẩn, và tôi phải bắt đầu và kết thúc lớp đúng boong theo giờ tôi đã đặt. Đôi khi có người mượn phòng ngay trước hoặc ngay sau tôi khiến thời gian khá eo hẹp. Và tôi không được treo biển hiệu nên không ai biết ở đó có lớp yoga. Tôi chỉ in ra vài tấm poster đen trắng đơn giản dán ở ngoài cửa. Poster thì tôi thiết kế trên canva.


Có địa điểm rồi, tiếp theo là chi phí tập và nội quy lớp tập. Ý tưởng của tôi về một lớp yoga đông vui, giá rẻ nay thêm concept đơn giản, chill, thoải mái nhằm tạo ra điều gì khác biệt với việc đi tập ở studio khá nghiêm túc và phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt. Ở Thuỵ Điển khi tới studio tập, cần book lớp trước và cần đến đúng giờ. Đến muộn sẽ bị coi là vắng mặt (no show) không được vào lớp, mất buổi nếu là thẻ buổi, và thậm chí phải đóng tiền phạt nếu là thẻ tháng / năm. Muốn huỷ lớp phải huỷ trước 24 giờ. Vậy tôi mở lớp yoga đông vui giá rẻ, đơn giản chỉ có 2 loại thẻ là 1 buổi và 10 buổi, không cần đặt lớp trước (nhưng khuyến khích đặt lớp), chấp nhận học viên đến muộn (vì tôi chuyên gia đi muộn) nhưng phải báo trước là sẽ đến muộn để tôi chừa cho chỗ gần cửa. Thẻ 10 buổi có thể share bao nhiêu người cũng được, đi bao nhiêu người trừ bấy nhiêu buổi. Tôi nghĩ làm thế hết thẻ cho nhanh còn mua thẻ mới :)))))


Các quy định của tôi thật sự mang lại một không khí chill, relax và laid back, nói chung là thư giãn. Chính học viên nói với tôi như vậy, và họ kéo theo bạn bè đồng nghiệp đến tập rất đông, trong lớp ai cũng là bạn của ai đó. Khi biết quy định này rồi, thực tế là tôi đã thu hút toàn người dễ tính đi tập. Nên khi có ai đến muộn thì cũng không ai thấy phiền.


Còn một việc nữa, đó là sang đây tôi mới thấy họ coi phòng tập yoga như một nơi nghiêm túc nên yêu cầu không nói chuyện trong phòng yoga. Muốn nói thì phải nói ở khu vực lễ tân hoặc sảnh chờ, còn đã vào phòng yoga là im lặng. Lúc mới sang chưa biết có lần tôi cũng bị vô duyên vì bắt chuyện với người khác trong phòng yoga. Về sau mới biết điều này còn được ghi trên biển báo trên tường hẳn hoi. Vậy nên ở lớp yoga của tôi thì chill hơn, mọi người có thể nói chuyện. Và thật ra là người Bắc Âu cũng không nói chuyện quá nhiều nên cũng không bị quá ồn ào mà thấy vui phết, có tí không khí buôn dưa lê Việt Nam ấm lòng nơi xứ lạnh =)))))


Về gói thẻ tập, tôi chỉ để 2 loại giá tiền là 1 buổi và 10 buổi. Có lúc tôi đưa ra loại 5 buổi, nhưng tóm lại là tôi muốn càng đơn giản càng tốt, vừa dễ giới thiệu cho tôi vừa dễ lựa chọn cho học viên.


Về lịch tập, chỉ 1 tuần 1 buổi vào sáng thứ 7 lúc 10 giờ. Ý tưởng của tôi là khi giờ đó đã đông đầy lớp thì tôi mới mở giờ tiếp theo. Tránh tình trạng mở nhiều khung giờ nhưng mỗi khung giờ chỉ có ít người đi.


Vậy là đã có địa điểm, đã có thời gian, chi phí và nội quy lớp tập. Phần tiếp theo là marketing để mời mọi người đến tập. Lúc này tôi đã chán việc chạy quảng cáo, thật ra do không biết chạy nên không hiệu quả - tất nhiên đành chấp nhận mình không thể giỏi tất cả mọi việc, và sự thật là giỏi 1 việc thôi đã tốt lắm rồi. Nên tôi marketing theo kiểu “tay không bắt giặc”. Thực tế là với cách làm này tôi đã tối giản chi phí và thời gian công sức, mỗi tuần tôi chỉ dạy 1 buổi ở 1 địa điểm thuê rất rẻ. Marketing lúc này tôi có:

  • Đăng bài thông báo trên Instagram và Facebook. Lợi thế của việc đơn giản hoá là bài đăng tự nó sẽ trở nên rất dễ được khách hàng nhớ. Nếu tôi có nhiều khung giờ và nhiều gói tập thì sẽ phức tạp hơn.

  • Lập event trên Facebook. Đây là công cụ hữu hiệu để mời mọi người tham gia. Và nhớ chọn “sự kiện lặp lại” (recurring event) nếu bạn mở lớp hàng tuần. Bạn có thể trực tiếp mời friendlist tham gia sự kiện, và khi bạn bè của bạn ấn nút tham gia hoặc quan tâm, thì sự kiện này có thể sẽ hiển thị cho bạn bè của họ thấy. Facebook cũng có thể suggest (gợi ý) sự kiện của bạn tới những người chung sở thích.

  • Và tiếp đó, tôi lập một trang web đơn giản để giới thiệu và có chỗ cho mọi người book lớp và trả tiền trước. Ở Bắc Âu thì văn hoá trả tiền trước và sử dụng thẻ rất thông dụng. Và từ đây mở ra một chân trời mới mẻ với tôi: xây dựng trang web như các bạn đang thấy đây :D

  • Kết bạn với tất cả học viên, theo đúng nghĩa đen, nhớ tên, công việc, nơi ở, sở thích, cơ thể của họ (ừ thì mình dạy yoga mà). Nhớ ai là bạn của ai. Nói chuyện với họ, luôn nhắc lại những offer tuyệt vời mà tôi đưa ra như là các nội quy lớp cực kỳ chill và kêu gọi họ rủ thêm bạn đến tập share thẻ thoải mái.


Vậy là lớp chạy bon bon trong khoảng 1 năm. Học viên đi tập khá đông và đều. Nghĩ lại thì đây là khoảng thời gian mà tôi dạy “sung” nhất, phiêu nhất. Vì 1 tuần tôi chỉ dạy 1 lớp, và tôi biết rất rõ tất cả những người đến tập, nên tôi có thể dành rất nhiều thời gian để thiết kế bài dạy phù hợp với họ. Sau một thời gian thì tôi lên thành 2 lớp một tuần, cũng ở một địa điểm giá rẻ phòng rộng - tôi sẽ kể tiếp ở bài viết sau nhé!


Và lớp chạy bon bon 1 năm cho tới khi xảy ra một sự kiện làm đảo lộn cuộc sống của tất cả chúng ta…


Đó là dịch Covid.


(đón đọc tiếp phần 3!)

502 lượt xem2 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page