Ha My YOGA BLOG | Yoga i Malmö
top of page
Tìm kiếm

Đã cập nhật: 9 thg 10, 2020

CÁC TƯ THẾ CƠ TRỌNG TÂM - CORE


Đối với nhiều người chưa quan tâm nhiều tới giải phẫu cơ thể thì họ hay nghĩ rằng từ Core trong tiếng Anh là chỉ cơ bụng. Thường thì tôi để ý thấy các lớp Yoga mà có tên là Core hay chú tâm vào việc tập cơ bụng.


Tuy nhiên, cơ bụng chỉ là một phần của nhóm Cơ Trọng Tâm hay còn gọi là nhóm Cơ Lõi (Core nghĩa là lõi). Đã là Nhóm thì nghĩa là nó bao gồm nhiều cơ, và ở bụng cũng có nhiều lớp cơ với các tên gọi khác nhau. Trong phạm vi các bài viết này, tôi xin cố gắng đơn giản hóa các vấn đề hết sức có thể. Nếu bạn đọc mong muốn tìm hiểu sâu hơn, bạn hãy tìm đọc các cuốn sách giải phẫu cơ thể người. Còn giờ mong bạn tiếp tục theo dõi tôi giải thích đơn giản về nhóm cơ Trọng Tâm - CORE


Bạn hãy lấy tay sờ theo cột sống của mình. Cột sống của bạn kéo dài theo chiều dọc.

Giờ bạn hãy sờ xung quanh phần trên của cột sống. Bạn sẽ sờ thấy lồng xương sườn, một cấu trúc rất vững và hỗ trợ cho phần cột sống phía trên này.


Giờ bạn sờ xuống xung quanh phần dưới của cột sống. Ngoài cột sống ra, không có một cái xương nào cả. Không có xương sườn. Xung quanh phần cột sống thắt lưng chỉ có các cơ và các cơ quan nội tạng mà thôi.


Các cơ xung quanh cột sống này được gọi là các Cơ Trọng Tâm. Cơ Trọng Tâm có nhiều cơ khác nhau, và chúng có thể xếp chồng lên nhau. Mỗi cơ thì các thớ cơ lại chạy theo các hướng khác nhau và tùy theo cơ đó chạy hướng nào thì khi cơ co, cột sống của bạn di chuyển theo hướng đó. Bạn hãy tưởng tượng các lớp Cơ Trọng tâm này giống như một chiếc áo gen bụng giúp định hình cơ thể bạn, chỉ có điều nó không phải áo gen gì hết mà nó chính là cơ của bạn vậy thôi.


Nhóm cơ này cực kỳ quan trọng, VÌ SAO?


Đó là do con người chúng ta đã được Tạo Hóa lựa chọn để tiến hóa đứng thẳng đi bằng hai chân, giải phóng đôi tay để lao động, nên từ đó thân dưới của chúng ta cũng phải phát triển để có thể đỡ được cột sống ở trạng thái dựng dọc. Các cơ xung quanh phần bụng và thắt lưng cũng phải tiến hóa phức tạp và dày đặc lên giúp chúng ta đứng thẳng.


Nếu cơ Trọng Tâm yếu, ta sẽ không đứng thẳng (cột sống trung tính) được, mà đứng hoặc bị ưỡn, hay bị gù, và cơ trọng tâm yếu quá không hỗ trợ nâng đỡ được cột sống sẽ khiến cột sống rất dễ tổn thương khi có các tác động mạnh hoặc tác động lâu dài gây hao mòn (wear and tear) như khi lặp đi lặp lại các thói quen chuyển động và tư thế xấu.


Thật ra thì bạn có thể tập cơ Trọng Tâm trong rất nhiều tư thế Yoga, tùy vào cách bạn yêu cầu các cơ trong nhóm này phải hoạt động. Bạn cũng có thể tập Cơ Trọng Tâm trong cuộc sống hàng ngày bằng cách đi, đứng, ngồi thẳng thớm, giữ chắc phần bao quanh cột sống lưng dưới, như tôi hay nói là ¨như thể mặc một cái gen bụng vô hình¨ - nghe dễ thế thôi nhưng rất khó làm, bạn thử đứng ngồi một lúc xem có xiêu vẹo xô lệch ngả ngốn không.

Nhưng ở chương này chúng ta sẽ tìm hiểu các tư thế Yoga rất đặc trưng trong việc khỏe cơ Trọng Tâm. Đó là tư thế Cái Thuyền và anh em nhà Plank.


Cũng nói thêm một chút đó là trong nhóm cơ trọng tâm thì thường người ta khá chú trọng tập cơ bụng, là do các cơ ở bụng thường dễ bị yếu và khi cơ bụng khỏe lên thì ta cũng thấy được sự thay đổi rõ rệt về các cơn đau ở lưng hay tư thế trở nên tốt hơn.


NAVASANA - TƯ THẾ CÁI THUYỀN



Tư thế Cái Thuyền trong Yoga - một tư thế khỏe nhóm cơ trọng tâm. Lưng cũng phải khỏe để giữ lưng thẳng, chỉ cần lơi lỏng thôi thì dễ bị gù lưng trong tư thế này. Bạn có thể sử dụng một cái block ở giữa hai chân để kẹp chân vào block và các cơ ở chân và đùi trong hoạt động khỏe hơn dẫn tới tư thế vững chắc hơn.



Đôi khi tương đối khó để giữ thăng bằng trong tư thế, dễ bị mỏi hoặc ngã lăn ra phía sau. Bạn có thể chống các ngón tay xuống sàn để giúp lưng vươn thẳng và đồng thời giúp giữ thăng bằng tốt hơn nhé.


Gập hông ở tư thế Cái Thuyền cũng khiến cơ đùi trước thấy mỏi. Bạn có thể dùng tay đỡ chân. Khi này có thêm sức mạnh của tay hỗ trợ cho bụng và cơ gập hông, việc giữ hông gập trong trạng thái chân lơ lửng không còn quá khó khăn. Tư thế tay cầm vào bắp chân như thế này cực kỳ hữu ích cho người thể trạng yếu ớt hoặc người lớn tuổi.



Tư thế Con Thuyền duỗi thẳng chân. Đối với tôi, và nhiều bạn khác, thì tư thế Con Thuyền duỗi thẳng chân là rất khó. Cơ quads (tứ đầu) ở đùi trước phải hoạt động khỏe để gập hông và duỗi đầu gối trong trạng thái kháng trọng lực - rời khỏi mặt đất nên dễ xảy ra hiện tượng chuột rút. Tôi rất hay bị chuột rút ở đùi trước trong tư thế này. Việc dùng sức mạnh của tay để hỗ trợ giúp chân đỡ mệt hơn. Từ tay cầm khoeo chân, chúng ta có thể duỗi thẳng chân ra.


Cũng có thể sử dụng dây tập Yoga chằng qua chân để hỗ trợ đỡ chân khi duỗi thẳng.


Tôi đã thử các cách này do cơ đùi trước của tôi khá yếu, hay chuột rút và xương chậu ngả sau nên tôi hay bị gù lưng và lăn ra đằng sau khi duỗi thẳng chân trong tư thế Con Thuyền. Sau một thời gian rất dài, tính bằng năm, tập với tay đỡ chân hoặc dùng dây đỡ chân thì bây giờ tôi đã có thể không cần dùng tay hoặc dây và giữ chân thẳng trong một khoảng thời gian ngắn.


------------------------------------------------------

Cảm ơn bạn đọc đã đọc hết bài!

Đọc tiếp các tư thế Core - Cơ Trọng Tâm trong Yoga:



Prop Up! là một dự án Hà My Yoga (Sweden) thực hiện nhằm giúp bạn làm được hơn 80 tư thế Yoga một cách dễ dàng cùng với các dụng cụ đơn giản: block, dây, chăn, gối, tường. Giúp bạn có thể thật sự tận hưởng việc thực hành Yoga!


Bạn thấy bài viết hữu ích? Hãy share về FB của mình nhé!

Đã cập nhật: 21 thg 5, 2021

Đây là một tư thế mà tôi rất thích, hay nói đúng hơn là rất nhiều người thích.

Có lẽ đây là một trong các tư thế Yoga được chụp ảnh nhiều nhất.

Vì nó đẹp như một vũ công, đúng như tên gọi của nó: tư thế Vũ Công.



Đây là một tư thế ngả lưng sau (backbend) trên nền tảng thăng bằng một chân.



Biến thể ở hình 1 được gọi là tư thế King Dancer - Vua Vũ Công, khi gập vai sâu để vươn tay qua đầu và bàn tay cầm tới chân. Đây là một tư thế ngả sau rất sâu và cần rất nhiều linh hoạt khớp háng và khớp vai, cũng như cần dãn các cơ ngực, vai và nhóm cơ gập hông (hip flexor) ở mặt trước của xương chậu.. Để thực hiện tư thế, chúng ta có thể đi qua nhiều tư thế ngả sau sâu tay cầm chân khác ở họ tư thế Ngả Sau. Lưu ý rằng không nên cố ép vào tư thế quá mạnh mẽ mà chưa có khởi động hay sự chuẩn bị tăng dần, rất dễ chấn thương trật khớp vai - là một khớp có biên độ di chuyển nhiều và ít tính ổn định.



Đa phần trường hợp người mới tập Yoga thì không thể tay cầm tới chân dễ dàng, chúng ta lại viện đến chiếc dây tập Yoga ra tay cứu giúp! Thật ra thì tôi luôn gợi ý các bạn bè tập Yoga hãy dùng dây thường xuyên hơn khi vào các tư thế ngả sau kết hợp mở vai và hông sâu kiểu này, vì bạn hoàn toàn có thể bắt đầu một cách dễ dàng khi sợi dây đang dài, đỡ đặt quá nhiều áp lực kéo dãn lên khớp vai. Và khi bạn đã quen với tư thế, đã chuẩn bị kỹ để vào sâu hơn, thì bạn chỉ việc lần hai bàn tay dọc theo cái dây tiến gần tới chân hơn cho tới khi bạn cảm thấy đạt tới giới hạn của mình. Có thể một ngày nào đó tay bạn sẽ chạm tới chân. Và khi thoát ra, chỉ càn tuột dần cái dây ra là xong.

Cách thường thấy khi làm tư thế Vũ Công (phân biệt với Vua Vũ Công) là tay cầm chân đơn giản như hình dưới đây.

Đây có lẽ là cách tập tư thế Vũ Công thường gặp nhất trong đa số các lớp Yoga. Tay của bạn có thể cầm ở mặt trong hoặc mặt ngoài của cổ chân. Để uốn lưng và dãn cơ gập hông (hip flexor - nhóm cơ nằm ở mặt trước của hông) hiệu quả, thì bạn hãy làm hành động duỗi hông (thuật ngữ chuyển động: hip extension) thể hiện ở việc đá chân sau lên cao và ra sau nhiều. Có lựa chọn ngả người xuống nhiều hơn, tức là gập hông chân trụ nhiều hơn để tư thế xuống sâu hơn.


Và còn một cách khác nữa tôi cảm thấy rất thú vị, ngả sau nhẹ ở lưng và dãn cơ trước hông và đùi rất hiệu quả, đó là làm tư thế Vũ Công nhưng ép gót chân về phía mông và cố gắng nâng đầu gối cao về phía sau. Khi này các nhóm cơ tứ đầu đùi (quads) có nhiệm vụ duỗi đầu gối và gập hông sẽ được dãn ra nhiều, và cách này cũng không cần backbend quá sâu, khá thích hợp cho người mới tập.


Để hỗ trợ thăng bằng, chúng ta có thể sử dụng bức tường.

Cách 1: Có thể bám tay vào tường vì khi ngả ra trước, chúng ta dễ bị mất thăng bằng. Cách này cũng phù hợp với những nhóm học viên Yoga nhạy cảm như người cao tuổi và phụ nữ mang bầu, là những người không nên bị ngã khỏi các tư thế thăng bằng. Tôi đã chia sẻ cách bám tay vào tường tương tự trong tư thế Cái Cây.


Cách 2: dựa bên hông của chân đứng vào tường để vững vàng hơi khi thực hiện ngả sau sâu kết hợp mở vai và hông trong tư thế King Dancer - Vua Vũ Công. Khi sự thăng bằng được đảm bảo, chúng ta có thể tập trung vào ngả sau, mở vai và mở hông hơn. Đây cũng là cách tôi đã sử dụng khi mới tập tư thế King Dancer.


------------------------------------------------------

Cảm ơn bạn đọc đã đọc hết bài! Đọc thêm về các tư thế đứng thăng bằng trên 1 chân trong Yoga:

- Tư thế Tay Cầm Chân Mở Rộng - 3 phiên bản: trước, bên và vặn xoắn



Prop Up! là một dự án Hà My Yoga (Sweden) thực hiện nhằm giúp bạn làm được hơn 80 tư thế Yoga một cách dễ dàng cùng với các dụng cụ đơn giản: block, dây, chăn, gối, tường. Giúp bạn có thể thật sự tận hưởng việc thực hành Yoga!


Bạn thấy bài viết hữu ích? Hãy share về FB của mình nhé!

Đã cập nhật: 9 thg 10, 2020


Tưởng không khó mà thật ra cũng khó đấy, vì tay chân đều xoắn nên rất gây khó hiểu cho não bộ của chúng ta: sao loằng ngoằng vậy, lại còn tay nào ở trên thì chân đó ở dưới nữa chứ? Ở đây cả vai và hông đều khép (thuật ngữ chuyển động: hip adduction & shoulder adduction) rất nhiều, và không phải ai cũng làm được chuyển động khớp này sâu do giới hạn chuyển động khớp. Có nhiều nguyên nhân: cơ địa cứng, lâu ngày không vận động, cơ dày và cứng do thể dục thể thao nặng, v.v..

Ở vai, chúng ta có thể không cần chạm lòng bàn tay vào nhau mà chỉ cần dừng lại ở chạm mu bàn tay vào nhau.



Còn ở chân, nếu quá khó trong việc xoắn chân vào nhau tới hai vòng thì mình chỉ cần làm một vòng thôi, giữ chân lơ lửng trên mặt đất hoặc dùng một cái block để đỡ chân. Cách dùng block đặc biệt hữu ích cho người thăng bằng kém, giúp họ vững tư thế hơn rất nhiều.



Đơn giản hơn nữa cho phần tay, chúng ta có thể chỉ cần ôm mình và đi hai bàn tay thật sâu ra sau lưng là cũng có các tác dụng khá tương tự như tay trong tư thế Đại Bàng hoàn chỉnh.



Hoặc chúng ta có thể dùng một tay để hỗ trợ tay còn lại trong hành động khép khớp vai (thuật ngữ chuyển động: shoulder adduction). Tất cả các biến thể tay này đều giúp cho hai bả vai tách xa nhau (thuật ngữ chuyển động: shoulder blades protraction) và dãn nhiều vào cơ nằm ở giữa hai bả vai (gọi là cơ khép bả vai) ở lưng trên.

------------------------------------------------------

Cảm ơn bạn đọc đã đọc hết bài! Đọc thêm về các tư thế đứng thăng bằng trên 1 chân trong Yoga:

- Tư thế Tay Cầm Chân Mở Rộng - 3 phiên bản: trước, bên và vặn xoắn



Prop Up! là một dự án Hà My Yoga (Sweden) thực hiện nhằm giúp bạn làm được hơn 80 tư thế Yoga một cách dễ dàng cùng với các dụng cụ đơn giản: block, dây, chăn, gối, tường. Giúp bạn có thể thật sự tận hưởng việc thực hành Yoga!


Bạn thấy bài viết hữu ích? Hãy share về FB của mình nhé!

bottom of page