top of page

TƯ THẾ CHIM THIÊN ĐƯỜNG & VẶN XOẮN - SVARGA DVIJASANA

Đã cập nhật: 9 thg 10, 2020

Bạn có biết: Chim Thiên Đường vừa là tên của một loài chim, và vừa là tên của một loài hoa mang tên loài chim đó? Tôi cũng không rõ tư thế Chim Thiên Đường là mô phỏng loài hoa hay loài chim, nhưng dù gì thì đây cũng là một tư thế có hình dáng rất đẹp.

(Hết sức thông cảm tôi làm chưa được đẹp lắm)

Không những đẹp, mà đây còn là một tư thế Yoga cực kỳ phức tạp. Vừa có thăng bằng trên một chân, lại vừa phải giơ chân cao và xoay ra ngoài, và lại thêm tư thế bó tay nữa. Nhưng để đơn giản hóa vấn đề, bạn hãy chia nhỏ tư thế làm ba phần như tôi vừa kể trên, và làm dễ từng phần một. Như trong câu chuyện bó đũa ấy các bạn có nhớ không?

Thăng bằng là mục tiêu quan trọng nhất của tư thế. Vì thế không nên bỏ sự thăng bằng ra khỏi tư thế hay làm nó dễ đi bằng cách dựa vào tường hay gì. Chúng ta tập tư thế thăng bằng là do muốn luyện kỹ năng thăng bằng mà!

Còn việc giơ chân lên cao và duỗi thẳng thì có thể làm đơn giản đi bằng cách tạm thời co đầu gối lại, lo đứng cho vững, cho thẳng cái đã. Thật ra là đối với nhiều cơ thể do cứng hoặc cơ gân kheo ngắn, ví dụ như tôi, thì có muốn cũng rất khó lòng đạp thẳng chân cho nổi. Mà thật ra co chân nhìn nó cũng có cái hay cái đẹp của nó đấy chứ nhỉ!

Về vấn đề tư thế bó tay - hai tay buộc vào nhau, thì chúng ta đã giải quyết từ các tư thế đứng Góc nghiêng bó tay hay tam giác bó tay rồi. Mình có thể dùng dây nếu tay chưa tóm được vào nhau.

Hoặc có thể chỉ làm một nửa của tư thế bó tay thôi, đó là vặn 1 tay ra sau và cố gắng bám và hông đối diện. Tay còn lại có thể không cần vòng qua tận dưới chân, mà làm các biến thể Tay Cầm Chân khác nhau.

Trong tư thế Yoga Chim Thiên Đường, hoạt động của các khớp khá giống với các tư thế Góc nghiêng bó tayTam giác bó tay. Mời bạn đọc mở các tư thế này ở họ tư thế Đứng trong Yoga để tham khảo thêm. Đó cũng là những tư thế chuẩn bị cực kỳ hữu hiệu cho Chim Thiên Đường.


PARIVRTTA SVARGA DVIJASANA - TƯ THẾ CHIM THIÊN ĐƯỜNG VẶN XOẮN

Phức tạp và rắc rối hơn cả Chim Thiên Đường nữa đó là Chim Thiên Đường vặn xoắn, hay nhiều nơi phương Tây họ hay gọi là tư thế Chim Địa Ngục. Vừa phải vặn xoắn, vừa phải bó tay, và vừa phải duỗi chân, tất cả trên nền tảng của một tư thế thăng bằng. Đây là một tư thế mà trong lớp hay trong quá trình luyện tập chúng ta phải bóc tách tư thế ra làm nhiều phần và xử lý từng phần của nó, làm nóng khởi động những bộ phận cơ thể liên quan, rồi mới làm tới tư thế.

Các tư thế rất liên quan tới Chim Thiên Đường vặn xoắn có:

Chim Thiên Đường

Tay Cầm Chân, biến thể Vặn Xoắn

Góc Nghiêng Vặn Xoắn bó tay

Tam Giác vặn xoắn bó tay

Ngoài ra, bạn có thể làm nóng cơ thể và tập thông qua rất nhiều tư thế khác trong các họ tư thế thăng bằng và vặn xoắn.

Trước tiên chúng ta có thể co gối chứ không cần thẳng gối để làm tư thế dễ hơn. Khi thẳng đầu gối, đùi tì rất nhiều vào tay để có lực duỗi thẳng hơn. Tạm thời giữ đầu gối co cho đỡ áp lực, và cố gắng đứng thẳng người, giữ thăng bằng là gần như bạn đã đạt được hình tư thế.


Ngoài ra bạn có thể sử dụng dây tập Yoga để với hai bàn tay. Nhiều trường hợp người tập có thể nắm tay trong tư thế bó tay, nhưng khi vặn xoắn, nhất là lại đang đứng cố giữ thăng bằng, thì việc cầm tay vào nhau trở nên khó hơn rất nhiều. Sử dụng một sợi dây và đi dần hai tay về phía nhau là một lựa chọn vừa an toàn vừa khôn ngoan giúp bạn tiến được xa.

Hoặc nếu cảm thấy mình vẫn rất vất vả thì bạn hãy lùi lại thêm một bước nữa, chưa cần nắm tay vội, chỉ làm tư thế Tay Cầm Chân vặn xoắn bất kỳ biến thể nào, còn tay còn lại thì mở ra phía sau để làm nửa bó tay (half bound).


------------------------------------------------------

Cảm ơn bạn đọc đã đọc hết bài! Đọc thêm về các tư thế đứng thăng bằng trên 1 chân trong Yoga:

- Tư thế Tay Cầm Chân Mở Rộng - 3 phiên bản: trước, bên và vặn xoắn



Prop Up! là một dự án Hà My Yoga (Sweden) thực hiện nhằm giúp bạn làm được hơn 80 tư thế Yoga một cách dễ dàng cùng với các dụng cụ đơn giản: block, dây, chăn, gối, tường. Giúp bạn có thể thật sự tận hưởng việc thực hành Yoga!


Bạn thấy bài viết hữu ích? Hãy share về FB của mình nhé!


407 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page