Ha My YOGA BLOG | Yoga i Malmö
top of page
Tìm kiếm

(Câu chuyện về tôi đã mở (và đóng) phòng tập yoga như thế nào)


Tiếp theo bài trước, đang kể đến đoạn lớp yoga giá rẻ đông vui và chill của tôi đang hoạt động đều đều, thì một sự kiện xảy ra làm đảo lộn cuộc sống của tất cả chúng ta.


Đó là dịch covid ập đến.


Ở Thuỵ Điển không có lockdown, mọi người vẫn được ra ngoài và không cần đeo khẩu trang. Nhưng có những quy định mới về giãn cách như cho phép làm việc ở nhà, các cơ sở kinh doanh trong nhà phải tuân thủ 10 mét vuông 1 người khiến rất nhiều phòng tập điêu đứng. Vì bạn biết đấy, hoạt động tập yoga cần nhiều không gian, càng xếp được nhiều thảm thì càng có cơ hội đón được nhiều lượt tập. Một phòng tập giả sử rộng tới 100 mét vuông mà chỉ được cho 10 người tập mỗi lớp thì rất khó. Rất may cho tôi là các phòng tôi thuê lúc này (1 nhà văn hoá thanh niên và 1 phòng thể chất của trường học) đều rộng mênh mông, thừa sức cho 10-20 người tập mà vẫn tuân thủ quy định. Tôi vẫn duy trì 2 lớp mỗi tuần, vào sáng thứ 7 và tối thứ 4, nhưng học viên rất thất thường vì nhiều người được làm việc tại nhà nên họ không đi vào trong thành phố nữa, hoặc nhiều người sợ dịch covid không muốn tham gia tập. Mùa hè thì đỡ hơn vì tôi tổ chức các lớp ngoài trời thông thoáng hơn, mọi người đỡ sợ lây bệnh covid và cũng chán cảnh ở trong nhà ngột ngạt nên tham gia nhiều hơn. Cứ thế tôi duy trì lớp trong suốt năm đầu tiên của covid.


Nhưng sang tới năm 2021 thì tình hình tệ hơn. Các phòng cho tôi thuê liền không cho thuê nữa, chỉ cho các hoạt động do thành phố hoặc trường học tổ chức thuê. Tôi đành phải liên hệ một phòng tập yoga và thuê phòng của họ với cái giá đắt gấp 4-5 lần giá mà tôi đang trả. Được cái phòng tập này vừa gần nhà tôi, lại vừa rộng đẹp sáng sủa. Tuy nhiên chi phí đội lên quá cao nên tôi không thể tiếp tục với concept đông người giá rẻ được nữa. Tôi đành tăng gấp đôi học phí lên và chấp nhận học viên sẽ rụng gần hết, chỉ còn khoảng 10 học viên thân thiết nhất vẫn theo tập. Tập yoga ở phòng mới này thì công nhận rất thích, vì phòng đẹp, lại trang trí đúng theo phong cách yoga, đầy đủ dụng cụ.



Tôi bắt đầu nhen nhóm suy nghĩ: có lẽ mình mở phòng tập yoga? Vì tôi cân nhắc các lý do sau:

  1. Phòng yoga đang thuê này đẹp thật đấy

  2. Chi phí tôi phải bỏ ra thuê hàng tháng đã lên tới một con số khá lớn, đủ để thuê một mặt bằng riêng với diện tích nhỏ.

  3. Với chi phí mà tôi đang phải bỏ ra, tôi chỉ được sử dụng phòng yoga này theo giờ, tức là có 2 hay 3 tiếng mỗi tuần thôi, nếu tôi thuê studio riêng của tôi dù là nhỏ hơn, thì tôi có thể sử dụng toàn bộ thời gian. Mà khi này tôi đang bắt đầu quay các video về yoga  nên nếu mở studio riêng thì tôi có thể quay ở đó.

  4. Với số ít học viên còn bám trụ lại, tôi vẫn có thể duy trì được lớp yoga dù phí thuê phòng bị đội lên. Vậy có một khả năng là nếu tôi tự mở studio riêng, tăng số lớp, thì tôi có thể vẫn có lãi.

  5. Tôi vốn trước đây có dạy môn yoga bay trên võng lụa. Nếu như có một studio riêng thì tôi có thể khoan trần lắp võng và tiếp tục dạy môn này.


Tuy nhiên cái lợi của việc thuê phòng theo giờ là tôi không có ràng buộc gì cả, khi bắt đầu bị lỗ, hay học viên rụng hết, hoặc dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn thì tôi chỉ cần không thuê nữa là xong. Rất nhẹ nợ. Còn nếu tôi đứng ra thuê studio riêng thì tôi phải ràng buộc với nó và chịu các chi phí hàng tháng. Tôi tìm hiểu và biết rằng người thuê mặt bằng phải ký hợp đồng 3 năm và rất khó rút ra. Muốn rút ra chỉ có cách tìm người thuê thế vào hoặc khai báo công ty phá sản.


Với một hình dung về cái lợi và bất lợi của việc thuê studio riêng, tôi bắt đầu tìm kiếm một mặt bằng nhỏ bằng cách đăng ký tất cả các trang web của các công ty bất động sản và xem hết tất cả các mặt bằng mà họ đang có, cả to cả nhỏ. Cứ rảnh tôi lại lên các trang web để xem các mặt bằng. Đi đâu thấy có mặt bằng cho thuê tôi lại đứng ở ngoài nhìn vào, về tra trên các trang web bất động sản và xem giá thuê.


Bạn có biết câu nói quen thuộc là “Khi bạn muốn làm gì thì cả vũ trụ sẽ dồn lực giúp bạn làm được điều đó”? Tôi là người khá thực tế nên tôi điều chỉnh một tí, là khi bạn muốn làm điều gì, thì chính cái ý muốn đó là một hạt giống được gieo xuống. Nó có thể lụi tàn, nhưng nhiều khả năng nó sẽ nảy mầm. Có thể nảy mầm ngay mà cũng có những hạt giống mất rất nhiều thời gian mới nảy mầm. Và khi nảy mầm lên thì cũng có thể nó phát triển thành một cái cây to lớn, mà cũng có thể mới chỉ nhú lên thành cây nhỏ thì nó cũng đã bị đời quật cho tơi tả và hẹo luôn. Biết như vậy nên tôi xác định một khoản tiền tối đa mà tôi có thể chi trả để thuê mặt bằng dạy yoga, không lớn hơn nhiều so với số tiền tôi đang chi trả để thuê studio theo giờ. Và khi xác định được CÁI GIÁ rồi thì tôi chờ thời cơ đến.


Tôi mong muốn một studio như sau:

  1. Diện tích cho khoảng 10 thảm. Tôi đã thay đổi về định hướng của mình từ một hoạt động lớp yoga đông vui, giá rẻ thành studio nhỏ với tối đa 10 thảm. Tôi cũng tính toán diện tích này sẽ nằm trong mức chi phí hàng tháng mà tôi có khả năng trả. Nếu nhiều hơn sẽ trở nên đắt hơn. Và 10 thảm thì có thể lắp được khoảng 6 võng tập yoga bay, như vậy cũng rất ok.

  2. Trần cao và trần bằng bê tông để có thể khoan trần và mắc võng.

  3. Có cửa sổ và ánh sáng tự nhiên.

  4. Theo phong cách đơn giản hoặc tối giản, màu trắng hoặc tông màu bê tông.


Các hoạt động tôi dự định sẽ làm tại studio:

  1. Dạy lớp nhóm, tôi sẽ mở trước 5 lớp 1 tuần.

  2. Dạy lớp cá nhân 1-1

  3. Dạy lớp nhóm theo yêu cầu (private group class) như kiểu nhóm bạn, gia đình hoặc công ty

  4. Dạy lớp về yoga bay trên võng lụa

  5. Quay video về yoga để đăng tải lên Youtube (như các bạn vẫn xem trên kênh Hà My Yoga)


Và trong lúc chưa tìm được mặt bằng để thuê, thì tôi bắt đầu đi tìm một người hướng dẫn (mentor) có kiến thức về kinh doanh và tài chính để được giúp đỡ.


Vậy hẹn gặp bạn ở bài tiếp theo, tôi sẽ nói về NGƯỜI HƯỚNG DẪN và NGƯỜI ĐỒNG HÀNH của tôi trên con đường mở studio ❤️




Đã cập nhật: 2 thg 11, 2023


(Câu chuyện về tôi đã mở (và đóng) phòng tập yoga như thế nào)


Khi gặp may & mọi việc hanh thông

Ở bài trước tôi đã chia sẻ, khi mới vào nghề dạy yoga hồi năm 2017, tôi có may mắn được giao cho khá nhiều lớp dạy và thu nhập rất tốt trong hơn 1 năm tôi dạy yoga ở Việt Nam (cụ thể là thành phố Hà Nội). Trong khoảng thời gian đó, dạy yoga là công việc chính của tôi. Có thể nói rằng tôi là giáo viên yoga toàn thời gian (full time). Ngoài công việc yoga ra tôi không làm nghề gì khác.


Tôi học khoá đào tạo giáo viên Yoga 200h lần đầu tiên vào đầu năm 2017 tại Hà Nội. Trước đó, tôi làm một số công việc văn phòng cũng ở Hà Nội. Thời điểm đi học khoá đào tạo giáo viên thì tôi mới nghỉ một công việc văn phòng, và cũng đi học vì đam mê chứ chưa dám nghĩ sẽ đi dạy. Tôi cũng đã chuẩn bị sẵn 1 khoản tiền để tiêu trong lúc nghỉ việc và cũng dắt túi 1 mối công việc mới rồi. Thế nhưng dòng đời xô đẩy nên học xong khoá đào tạo giáo viên thì tôi lại bắt đầu làm việc cho studio luôn. Trước khi nhận việc tôi cũng suy nghĩ vì trước giờ quen đi làm nhận lương tháng nào cũng giống tháng nào. Giờ thì lương tính theo số lớp dạy, mà mình khi đó giáo viên mới còn chưa có được xếp lịch lớp nào cố định cả, nên thấy hoang mang sợ lương bấp bênh và thấp. Đúng thật tháng đầu tiên chưa được dạy lớp nào, chỉ được một hai lần có giáo viên đột xuất không dạy được thì mình dạy thay, nên cuối tháng lương không nhiều. Nhưng có một điều tôi rất may mắn là đã trở thành giáo viên yoga khi đó thị trường vẫn rất xanh, và may mắn nữa là studio hoạt động tốt và chưa nhiều giáo viên, nên tôi dần dần được giao số lớp yoga nhiều lên. Càng dạy nhiều thì càng tự tin, và được các anh chị giáo viên khác nhờ đi dạy cover, rồi dần dần có thêm nhiều mối quan hệ quen biết để đi xin dạy ở cả các trung tâm khác. Rồi được ưu ái giao cho dạy các lớp private. Nói tóm lại là tôi dạy khoảng từ 10-20 lớp yoga mỗi tuần, tuy cũng có phải đi lại di chuyển nhiều nhưng thu nhập tốt hơn hẳn lương của các công việc văn phòng trước đó. Thỉnh thoảng có những khoá đào tạo giáo viên tôi tham gia phiên dịch và dịch tài liệu đào tạo thì lại được thêm tiền.


Nghĩ lại hồi đó rất rất may mắn, và những vấn đề tài chính đều do các studio chủ động làm, tôi chỉ việc đến dạy lớp rồi đi về, dạy xong không phải suy nghĩ gì cả, cuối tháng nhận lương thôi. Thật tuyệt vời!


Nên khi mới ra nước ngoài ở tôi đã bị một cú sốc.


Và khi phải tự loay hoay một mình

Đột nhiên tôi không hề có một mối quan hệ nào, không quen biết ai cả để mà có người giới thiệu lớp cho. Tôi cũng không nói ngôn ngữ và không am hiểu văn hoá của họ, dù ở Thuỵ Điển thì gần như ai cũng có thể giao tiếp tiếng Anh. Và điều khác biệt nhất là tôi nhận ra thị trường cho dạy yoga đã rất “đỏ” - các studio liên tục đào tạo ra các giáo viên mới, giáo viên yoga rất đông đến nỗi studio có thể thay người dạy liên tục, và các lớp quay vòng giữa rất nhiều giáo viên. Như tôi có lấy ví dụ ở bài trước là khi ở Việt Nam thì tôi dạy lớp hàng tuần, nhưng ở đây thì tôi chia sẻ lớp đó với một vài bạn giáo viên khác, tức là 2-3 tuần tôi mới dạy lớp đó một lần. Cũng có những bạn giáo viên tôi quen dạy lịch cố định hàng tuần, nhưng cũng thường bị thay thế khá nhanh chóng khi studio đào tạo ra một lứa học viên mới. Và chính vì vậy nên ở chỗ tôi gần như không có ai mà làm nghề giáo viên yoga full time cả. Tất cả các bạn giáo viên yoga đều có một công việc khác, và họ đi dạy yoga chỉ là nghề tay trái, và thậm chí chỉ như một sở thích, vì số lượng lớp dạy quá ít và sau khi khấu trừ thuế thì cũng không đáng kể.


Cái tôi cá nhân của tôi quá to, vì tôi đang làm nghề dạy yoga toàn thời gian, tôi không phải làm công việc nào khác để kiếm sống cả, nên tôi cảm thấy rất tự cao tự đại là mình “chuyên nghiệp” hơn người ta. Tôi cảm thấy người ta dạy yoga 1 tuần có ít buổi thì làm sao dạy “giỏi” bằng mình thời gian vừa qua đã cày rất nhiều lớp mỗi tuần. Và tôi đặt ra mục tiêu rằng mình cũng sẽ chỉ làm công việc dạy yoga mà thôi, không làm việc khác.


Thật ra bây giờ nhìn lại tôi mới thấy cái bản ngã của mình khi đó quá lớn, cộng thêm sự cố chấp vào những hoàn cảnh và điều kiện trước đó ở Việt Nam và không thể chấp nhận được thực tại là tôi đã ở một môi trường khác, tình huống khác hoàn toàn. Nên tôi cũng đã nếm mùi thất vọng không ít lần. Thế nhưng cũng có thể vì sự cố chấp đó mà tôi có được những thứ khác, như là toàn bộ các video, khoá học, bài viết được tôi tổng hợp lại trong trang web này chẳng hạn.


Ở bài trước, tôi đã kể đến đoạn lớp yoga giá rẻ đơn giản và chill của tôi bắt đầu đông và đều học viên. Khi này tôi đã rất lạc quan và đặt ra mục tiêu 1 tuần tôi sẽ dạy 5 lớp yoga như vậy, và mỗi lớp đạt số học viên như vậy, là tôi có thể thu về một số tiền tương đối ổn hàng tháng. Nhưng điều đó đã không xảy ra, một phần do dịch covid, nhưng phần lớn hơn là do tôi đã không hiểu: khi tôi dạy 1 lớp yoga 1 tuần và có những tuần rất đông học viên lên đến 15-20 người, thì không có nghĩa là tôi dạy 5 lớp yoga mỗi tuần đều sẽ chắc chắn đạt sĩ số như vậy. Do nhiều nguyên nhân như dân số ít - thành phố tôi ở có 300,000 dân, cạnh tranh khốc liệt - đã có tới hàng chục yoga studio chưa kể các chuỗi phòng gym cũng có các lớp yoga riêng của họ, do tôi không đầu tư và không đủ năng lực cho việc marketing quảng bá thu hút thêm học viên, v.v


Đến một lúc nào đó, tôi cảm thấy bắt đầu “đau đầu vì tiền”, và đáng tiếc là sự vô tư hồn nhiên của những lớp yoga free ngoài công viên bắt đầu phai nhạt. Cơm áo không đùa với khách thơ, và cả khách yoga. Khi luôn trong tâm thế cạnh tranh giằng giật, tôi mất đi cảm giác an yên đủ đầy hay cái gọi là “abundance mindset” - tư duy đủ đầy. Tôi luôn nhìn các bạn giáo viên khác như những đối thủ, và kể cả khi đi tập yoga tôi cũng khó lòng thư giãn vì luôn để ý xem người ta dạy gì, có gì hay có gì dở, có gì mình học tập được hay có thể làm tốt hơn không, vân vân. Và tôi đã hiểu ra rằng, những giáo viên yoga chỉ dạy "cho vui" một vài lớp một tuần và vẫn có duy trì một công việc chính, họ có lợi thế hơn hẳn nằm ở sự an yên về tài chính. Họ đã có một nguồn thu nhập ổn định, và theo đuổi đam mê về yoga bằng việc đi dạy một số lượng ít lớp, không bị kiệt sức mà vẫn vui và tràn đầy năng lượng với niềm đam mê của mình. Và khi họ có thể kiếm đủ tiền từ việc dạy yoga, thì họ rời bỏ công việc đang làm và theo đuổi dạy yoga toàn thời gian. Trên thực tế là những giáo viên yoga hoặc chủ studio thành đạt mà tôi gặp thì rất nhiều người trong số họ có background làm việc về tài chính, marketing hay sale - những mảng chủ chốt trong vận hành doanh nghiệp.


Vậy tôi sẽ đi đến kết luận cho bài viết này: đó là hãy học về tài chính. Hãy học về tiền và cách nó vận hành. Tôi đã thay đổi từ suy nghĩ khăng khăng tôi phải kiếm tiền từ việc dạy yoga thành tôi sẽ có tài chính tốt và dạy yoga. Tiền có thể đến từ đam mê mà cũng có thể không, nhưng tiền luôn là nền tảng vững chắc để làm những điều chúng ta thích, kể cả là dạy yoga hay bất kỳ đam mê nào. Hãy nuôi đam mê trước khi bắt đam mê nuôi mình :)))))


Rất tiếc tôi hiện nay không thể dạy cho bạn về tài chính vì tôi vẫn đang học. Tôi chỉ có thể giới thiệu bạn, nếu bạn cũng như tôi: không có kiến thức về tài chính, hoang mang lạc lối, thì có thể tham gia khoá học Kết nối với tiền của chị Hiếu. Đây là một khoá học về tài chính và tư duy về tiền cực kỳ đơn giản dễ hiểu và dễ áp dụng. Tôi đã học khoá học này vào tháng 11/2022 trong lúc đang mang bầu sắp sinh em bé, và khi có thời gian tôi sẽ học lại. Bạn có thể truy cập trang web www.ketnoivoitien.com hoặc liên hệ qua Facebook Kết nối với tiền để đăng ký học qua zoom, mỗi tháng có một khoá học.


Vậy nếu bạn có những băn khoăn như có nên bỏ việc theo đuổi đam mê, có nên học thêm cái này cái kia để tăng mức độ cạnh tranh, có nên mở ra làm riêng hay vẫn đi làm thuê, v.v thì trước tiên hãy nhìn thật kỹ xem bạn muốn làm những điều đó để giải quyết nhu cầu gì của bạn. Những câu hỏi mà tôi thích đặt ra là:

  • Tôi muốn làm điều này vì nhu cầu gì của bản thân?

  • Nếu biết trước sẽ thất bại tôi có làm không?

  • Tôi sẵn sàng tốn bao nhiêu tiền để làm điều đó?

  • Khi nào thì tôi sẽ dừng lại không làm nữa? - đây là một câu hỏi quan trọng vì nó chính là khái niệm cắt lỗ cut loss

  • Có cách nào làm mà tốn ít tiền nhất có thể không?

  • Những việc gì không làm cũng được? Và những việc gì không làm không (chịu) được?


Ở các bài viết tiếp theo, bạn sẽ đi cùng tôi tiếp tục trên hành trình mở và đóng studio và sẽ quay lại với những câu hỏi này. Đừng bỏ lỡ nhé!

Đã cập nhật: 2 thg 11, 2023

(Câu chuyện về tôi đã mở (và đóng) phòng tập yoga như thế nào)


Bài viết hôm nay bắt đầu có các vấn đề tài chính, quản lý, marketing và chăm sóc khách hàng.


(Nghe oách phết nhưng thật ra đều ở tầng cơ bản =)))


Ở phần 1, bạn đã biết một chút về background của tôi và những bước đầu tiên thu hút sự chú ý của những người thích tập yoga khi tôi chuyển tới sinh sống ở một đất nước xa lạ (Thuỵ Điển).


Hôm nay, tôi sẽ kể cho bạn sau đó tôi tiến lên thành lớp yoga thu tiền như thế nào và những tư duy và bài học về chuyện tài chính, quản lý, marketing và chăm sóc khách hàng. Xin nhắc lại, bạn đang đọc kinh nghiệm của một người thất bại lên xuống. Bạn cũng có thể coi tôi là một người thành công trong việc thất bại, vì tôi đã có lịch sử sập tiệm một vài business khác rồi, và tôi thấy vẫn ổn, lần thất bại sau tôi lại đỡ thất bại hơn lần thất bại trước =)) và giờ đây kể cả có thất bại tôi cũng không cảm thấy mình là kẻ thất bại. Vậy là đã đạt đến cảnh giới cao của thất bại hay chưa 😊 Ở đây có thể không có bài học thành công nào cả, nhưng sẽ có bài học thất bại, và tôi nghĩ rằng bạn sẽ thấy ồ cùng lắm thì thất bại là như thế này, chả sao cả, vậy mình đang thích làm gì thì cứ làm thôi.


Tôi là một người theo chủ nghĩa bi quan (pessimism), làm gì tôi cũng nghĩ đến thất bại đầu tiên. Tôi sẽ nghĩ đầu tiên là mất gì, rồi sau đó mới là được gì. Sau khi xác định cái giá phải trả, tôi sẽ quyết định có làm điều đó hay không. Có nhiều người “dạy làm giàu” sẽ nói với bạn rằng chưa làm đã nghĩ đến thất bại là hỏng, nhưng tôi thấy điều đó còn tuỳ vào bạn là kiểu người như thế nào. Nếu bạn giống như tôi, thích xác định các khả năng xấu nhất có thể xảy ra, thì không thể bắt bạn lạc quan tếu và cố nghĩ đến những điều tốt đẹp. Cũng có những người luôn lạc quan nghĩ đến kết quả tốt nhất. Nhưng cũng giống trong tập yoga, cái chúng ta tìm kiếm là sự PHÙ HỢP và CÂN BẰNG. Hãy làm những điều phù hợp với bạn, và thực hành những điều mà bạn đang thiếu để đưa bạn về cân bằng.


Trở lại câu chuyện. Sau mùa hè tập yoga miễn phí ngoài công viên, tôi trở về Việt Nam. Khi đó tôi chưa có thẻ cư trú nên phải đi đi về về bằng visa du lịch 3 tháng một. Và khi tôi quay trở lại thì đã sang mùa đông, không thể tập yoga ngoài công viên được nữa. Tôi cũng đã có thẻ cư trú và có thể bắt đầu “kinh doanh cá thể”. Ở Việt Nam thì bạn dạy yoga tự do được bao nhiêu tiền thì tự cầm bấy nhiêu tiền. Nhưng ở Thuỵ Điển và nhiều nước phương tây thì rất chặt chẽ về việc đóng thuế. Mỗi giáo viên yoga phải mở một “công ty cá nhân” để ghi chép kế toán về thu nhập của họ từ dạy studio hay dạy tự do. Mỗi quý và mỗi năm phải quyết toán thuế. Ở Việt Nam, tôi dạy ở studio thoả thuận lương bao nhiêu thì tôi sẽ cầm bấy nhiêu. Nhưng ở Thuỵ Điển thì “công ty” của studio trả phí dịch vụ cho “công ty” của giáo viên yoga, và sau đó giáo viên yoga phải tự đóng thuế. Tóm lại sau thuế thì về tay chỉ còn khoảng 50% cùng lắm là 70% số tiền. Lại còn phải kê khai thuế cho mỗi khoản dù là nhỏ xíu. Điều này cộng với như ở bài trước tôi đã nói, thị trường yoga đã đỏ - tức là đã có quá nhiều studio và giáo viên nhảy vào cuộc chơi, khiến tôi thấy toàn là rào cản.


Tôi liên hệ tới tất cả các studio để xin lớp dạy. Tôi offer dạy thử 1 buổi. Cũng phải viết CV như một công việc nghiêm túc. Nhưng studio nào thiện chí thì cũng chỉ xếp tôi vào hàng ngũ dạy thay - tức là khi có giáo viên của studio bị bận đột xuất không dạy được thì mới đến lượt danh sách dạy thay, và tôi chắc mình nằm cuối danh sách đó 😆. Bởi vì tôi hiểu rằng mỗi studio đều có các khoá đào tạo giáo viên của họ, và họ phải ưu tiên xếp lớp cho giáo viên gà nhà mà họ đào tạo ra. Cũng như tôi khi ở Việt Nam đã được studio nhà ưu tiên xếp lớp.


Nói đến đây thì các bạn giáo viên yoga mới đừng nản, vì tôi đã nhìn thấy có ngoại lệ. Có nhiều người không học đào tạo giáo viên ở các studio mà họ dạy. Họ từ nơi khác đến, đào tạo ở chỗ khác ra, nhưng bằng sự kiên nhẫn, sức hút và cả may mắn, họ vẫn có chỗ đứng. Nhưng không nhiều :) một điều hiển nhiên là studio sẽ có xu hướng sử dụng giáo viên mà họ đào tạo ra, vừa đảm bảo đầu ra cho học viên của họ lại vừa thống nhất về phong cách và kiến thức.


Về việc đi dạy cho các studio khác thấy các trải nghiệm như thế nào, tôi sẽ nói tới ở bài sau.


Còn khi đó đầu năm 2019, tôi quyết định mở lớp yoga thu tiền trên nền tảng học viên từ các lớp miễn phí ngoài công viên. Tôi đã đi tập thử ở gần như tất cả các studio trong thành phố, đã nhìn thấy studio họ ra sao, lớp giáo viên dạy như thế nào, yoga phong cách gì, v.v. Tôi follow mọi studio trong khu vực lân cận trên mạng xã hội, tôi xem hết các bài post của họ và xem hết trang web của họ để biết phong cách, thời khoá biểu, bảng giá, v.v Thấy khá tuyệt vọng về việc được các studio gọi về dạy, tôi chuyển qua hỏi họ về việc thuê phòng để tự mở lớp dạy yoga. Hoặc họ báo giá rất cao tôi không theo được, hoặc ậm ờ rồi không đưa ra báo giá. Lưu ý là ở Thuỵ Điển ngoài giá họ đưa ra thì tôi lại phải đóng thêm 25% thuế VAT nữa nên chi phí trở nên cao một cách lố bịch tôi tự thấy không thể kham nổi.


Mà khi đó tôi chỉ muốn mở một lớp yoga phân khúc giá rẻ và cố gắng kéo đông người đến tập, thay vì giá cao và ít người tập (kiểu này giống như kiểu “boutique studio”). Tôi tư duy rằng những người duy nhất tôi biết ở đây là những người tập yoga free với tôi ngoài công viên, thì yêu cầu họ trả một khoản phí nhỏ rẻ hơn giá tập yoga ở tất cả các studio sẽ hợp lý hơn là đưa ra cái giá cao bằng với thị trường - vì thế thà họ đi tập studio? Vậy tôi muốn mở một lớp yoga đông người với chi phí rẻ. Đọc đến đây hãy đừng nghĩ rằng bạn phải làm giống tôi. Tôi chỉ kể cho bạn cách mà tôi suy nghĩ khi đó. Nếu bạn muốn thu tiền cao, đắt, dạy ít học viên - thì hãy bám theo ý tưởng của bạn và nghĩ cách thực hiện - nghĩ ra “cái giá” mà bạn sẽ trả để thực hiện điều đó.


Thế rồi trong một lần đi “đánh võng phòng tập”, hay còn gọi là nghiên cứu thị trường =)) tức là đến tập yoga xong lân la hỏi hỏi xem có cho thuê phòng không, tôi nhận được một thông tin quý giá từ chị chủ phòng tập. Chị ấy nói: “Nếu thuê phòng theo giờ thì em thuê phòng tập nhảy ấy, rẻ hơn rất nhiều. Phòng yoga đắt lắm.”


Tôi lập tức thay đổi chiến lược, và lên google tìm tất cả các phòng dạy nhảy hoặc các hoạt động khác, có cho thuê theo giờ. Và đó là cách tôi tìm ra phòng tập đầu tiên cho lớp yoga đông người giá rẻ của tôi:



Phòng này vừa rẻ, vị trí trung tâm, vì là phòng của nhà văn hoá thanh niên thành phố cho thuê tất cả các thể loại hoạt động, từ mít tinh hội nghị tới nhảy múa, nghệ thuật, tập kịch tập hát, văn nghệ trẻ em người lớn. Tôi chỉ cần 2,5 người đi tập để có thể trả được tiền phòng 1 giờ (thay vì 10 người nếu tôi thuê studio yoga theo giờ) - phần còn lại là tiền trả công cho giờ dạy đó của tôi.


Phòng này có ưu điểm là sức chứa lớn, phải được tới 20 thảm yoga. Vị trí ngay trung tâm thành phố. Người tập hướng nhìn ra 1 dãy cửa sổ mở ra ánh nắng chan hoà, gió mát, không khí trong lành. Và giá rẻ. Ngoài ra nếu tôi bận thì có thể huỷ đặt phòng trước 24 giờ và không phải trả phí.


Phòng này có nhược điểm là không được để đồ lại, nên tôi không được để dụng cụ như thảm, block, dây, chăn gối yoga. Do phòng này share với nhiều người khác theo những giờ khác nên thi thoảng sàn hơi bẩn, và tôi phải bắt đầu và kết thúc lớp đúng boong theo giờ tôi đã đặt. Đôi khi có người mượn phòng ngay trước hoặc ngay sau tôi khiến thời gian khá eo hẹp. Và tôi không được treo biển hiệu nên không ai biết ở đó có lớp yoga. Tôi chỉ in ra vài tấm poster đen trắng đơn giản dán ở ngoài cửa. Poster thì tôi thiết kế trên canva.


Có địa điểm rồi, tiếp theo là chi phí tập và nội quy lớp tập. Ý tưởng của tôi về một lớp yoga đông vui, giá rẻ nay thêm concept đơn giản, chill, thoải mái nhằm tạo ra điều gì khác biệt với việc đi tập ở studio khá nghiêm túc và phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt. Ở Thuỵ Điển khi tới studio tập, cần book lớp trước và cần đến đúng giờ. Đến muộn sẽ bị coi là vắng mặt (no show) không được vào lớp, mất buổi nếu là thẻ buổi, và thậm chí phải đóng tiền phạt nếu là thẻ tháng / năm. Muốn huỷ lớp phải huỷ trước 24 giờ. Vậy tôi mở lớp yoga đông vui giá rẻ, đơn giản chỉ có 2 loại thẻ là 1 buổi và 10 buổi, không cần đặt lớp trước (nhưng khuyến khích đặt lớp), chấp nhận học viên đến muộn (vì tôi chuyên gia đi muộn) nhưng phải báo trước là sẽ đến muộn để tôi chừa cho chỗ gần cửa. Thẻ 10 buổi có thể share bao nhiêu người cũng được, đi bao nhiêu người trừ bấy nhiêu buổi. Tôi nghĩ làm thế hết thẻ cho nhanh còn mua thẻ mới :)))))


Các quy định của tôi thật sự mang lại một không khí chill, relax và laid back, nói chung là thư giãn. Chính học viên nói với tôi như vậy, và họ kéo theo bạn bè đồng nghiệp đến tập rất đông, trong lớp ai cũng là bạn của ai đó. Khi biết quy định này rồi, thực tế là tôi đã thu hút toàn người dễ tính đi tập. Nên khi có ai đến muộn thì cũng không ai thấy phiền.


Còn một việc nữa, đó là sang đây tôi mới thấy họ coi phòng tập yoga như một nơi nghiêm túc nên yêu cầu không nói chuyện trong phòng yoga. Muốn nói thì phải nói ở khu vực lễ tân hoặc sảnh chờ, còn đã vào phòng yoga là im lặng. Lúc mới sang chưa biết có lần tôi cũng bị vô duyên vì bắt chuyện với người khác trong phòng yoga. Về sau mới biết điều này còn được ghi trên biển báo trên tường hẳn hoi. Vậy nên ở lớp yoga của tôi thì chill hơn, mọi người có thể nói chuyện. Và thật ra là người Bắc Âu cũng không nói chuyện quá nhiều nên cũng không bị quá ồn ào mà thấy vui phết, có tí không khí buôn dưa lê Việt Nam ấm lòng nơi xứ lạnh =)))))


Về gói thẻ tập, tôi chỉ để 2 loại giá tiền là 1 buổi và 10 buổi. Có lúc tôi đưa ra loại 5 buổi, nhưng tóm lại là tôi muốn càng đơn giản càng tốt, vừa dễ giới thiệu cho tôi vừa dễ lựa chọn cho học viên.


Về lịch tập, chỉ 1 tuần 1 buổi vào sáng thứ 7 lúc 10 giờ. Ý tưởng của tôi là khi giờ đó đã đông đầy lớp thì tôi mới mở giờ tiếp theo. Tránh tình trạng mở nhiều khung giờ nhưng mỗi khung giờ chỉ có ít người đi.


Vậy là đã có địa điểm, đã có thời gian, chi phí và nội quy lớp tập. Phần tiếp theo là marketing để mời mọi người đến tập. Lúc này tôi đã chán việc chạy quảng cáo, thật ra do không biết chạy nên không hiệu quả - tất nhiên đành chấp nhận mình không thể giỏi tất cả mọi việc, và sự thật là giỏi 1 việc thôi đã tốt lắm rồi. Nên tôi marketing theo kiểu “tay không bắt giặc”. Thực tế là với cách làm này tôi đã tối giản chi phí và thời gian công sức, mỗi tuần tôi chỉ dạy 1 buổi ở 1 địa điểm thuê rất rẻ. Marketing lúc này tôi có:

  • Đăng bài thông báo trên Instagram và Facebook. Lợi thế của việc đơn giản hoá là bài đăng tự nó sẽ trở nên rất dễ được khách hàng nhớ. Nếu tôi có nhiều khung giờ và nhiều gói tập thì sẽ phức tạp hơn.

  • Lập event trên Facebook. Đây là công cụ hữu hiệu để mời mọi người tham gia. Và nhớ chọn “sự kiện lặp lại” (recurring event) nếu bạn mở lớp hàng tuần. Bạn có thể trực tiếp mời friendlist tham gia sự kiện, và khi bạn bè của bạn ấn nút tham gia hoặc quan tâm, thì sự kiện này có thể sẽ hiển thị cho bạn bè của họ thấy. Facebook cũng có thể suggest (gợi ý) sự kiện của bạn tới những người chung sở thích.

  • Và tiếp đó, tôi lập một trang web đơn giản để giới thiệu và có chỗ cho mọi người book lớp và trả tiền trước. Ở Bắc Âu thì văn hoá trả tiền trước và sử dụng thẻ rất thông dụng. Và từ đây mở ra một chân trời mới mẻ với tôi: xây dựng trang web như các bạn đang thấy đây :D

  • Kết bạn với tất cả học viên, theo đúng nghĩa đen, nhớ tên, công việc, nơi ở, sở thích, cơ thể của họ (ừ thì mình dạy yoga mà). Nhớ ai là bạn của ai. Nói chuyện với họ, luôn nhắc lại những offer tuyệt vời mà tôi đưa ra như là các nội quy lớp cực kỳ chill và kêu gọi họ rủ thêm bạn đến tập share thẻ thoải mái.


Vậy là lớp chạy bon bon trong khoảng 1 năm. Học viên đi tập khá đông và đều. Nghĩ lại thì đây là khoảng thời gian mà tôi dạy “sung” nhất, phiêu nhất. Vì 1 tuần tôi chỉ dạy 1 lớp, và tôi biết rất rõ tất cả những người đến tập, nên tôi có thể dành rất nhiều thời gian để thiết kế bài dạy phù hợp với họ. Sau một thời gian thì tôi lên thành 2 lớp một tuần, cũng ở một địa điểm giá rẻ phòng rộng - tôi sẽ kể tiếp ở bài viết sau nhé!


Và lớp chạy bon bon 1 năm cho tới khi xảy ra một sự kiện làm đảo lộn cuộc sống của tất cả chúng ta…


Đó là dịch Covid.


(đón đọc tiếp phần 3!)

bottom of page