Yoga Business 108: Không thể cướp khách hàng
top of page

Yoga Business 108: Không thể cướp khách hàng

Có một quy định ở các studio yoga đó là giáo viên không được phép nói về studio khác. Một số nơi thì giáo viên còn không được phép tự quảng bá bản thân, mời mọi người follow mình trên mạng xã hội, hay quảng cáo các hoạt động lớp yoga hay workshop khác nằm ngoài phạm vi studio. Tóm lại là không để khách hàng của studio “chảy” ra ngoài. Theo tôi quy định này hoàn toàn hợp lý và nên có. Đứng ở góc độ giáo viên yoga thì khá ấm ức đấy nhưng là chủ studio thì hoàn toàn nên làm vậy.


Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc vậy thì một giáo viên yoga mới có thể khiến mọi người biết đến mình nhiều hơn bằng cách nào để không xung đột về lợi ích với studio và cũng không vi phạm quy định của họ? Mỗi khi tôi tự promo quảng bá bản thân, tôi đều tự hỏi liệu mình có đang “cướp” khách của studio?


Đặc biệt là khi có khách hàng mà tôi biết từ các lớp studio chuyển ra tập yoga ở lớp riêng của tôi thì tôi càng cảm thấy ngài ngại, mặc dù cũng thấy sướng phết vì họ chọn tập với tôi. Cũng có tí hả hê :)))))))) nhưng cũng cảm thấy tội lỗi hoặc ngại, thấy mình “mặt dày”, liệu mình có đang đi “cướp khách”?


Sau khi đóng cửa studio và chuyển ra khỏi thành phố, tôi không còn dạy yoga nữa và ở nhà nghỉ đẻ và trông em bé, tóm lại tôi đã rút lui 1 năm nay (bài viết này là tháng 12/2023). Tôi có một cô bạn cũng là giáo viên Yoga là bạn N, và tôi đã chia sẻ hết cho bạn tất cả những bài học, những thất bại, những điều mà nếu có làm lại tôi sẽ làm khác đi. Bạn hãy tiếp tục theo dõi series bài viết về Yoga Business của tôi, và bạn cũng sẽ có được những điều đó.



Khi này bạn N đang dạy yoga ở một studio lớn trong thành phố. Nhưng bạn mới được dạy 2 tuần một lần. Bạn vừa học xong khoá đào tạo giáo viên 500h, chi phí cho khoá học rất lớn nên bạn cũng muốn đi dạy nhiều nhiều chút vừa để kiếm lại số tiền bỏ ra mà vừa muốn tích luỹ kinh nghiệm dạy yoga. Ở studio của bạn, họ cũng tự đào tạo giáo viên. Họ có rất nhiều giáo viên, nên cạnh tranh là rất lớn. Đúng như những gì tôi đã mô tả ở các bài viết 101 hay 102. Ở studio này, bạn không được phép tự quảng bá bản thân kiểu như “các bạn hãy tìm tôi trên Instagram nhé”, không được phép quảng bá các hoạt động yoga khác của bản thân. Không được mở workshop tại studio đó - việc mở workshop rất hạn chế và gắt gao dành cho số ít giáo viên cốt cán. Và không được host yoga retreat - chủ studio là người duy nhất được host yoga retreat.


Bạn đọc tới đây có thể nghĩ: trời đất studio gì mà nghiêm khắc quá vậy? Nhưng tôi hoàn toàn hiểu tại sao họ làm như vậy. Tôi có cơ hội gặp gỡ cô chủ studio đó vài năm trước, khi cô ấy mới đi dạy yoga. Cô có background làm về marketing cho các tập đoàn lớn. Đầu óc về kinh doanh của cô cực kỳ nhạy bén. Và khi tôi đi xem báo cáo về thuế của các studio thì cô ấy là người kiếm được nhiều tiền nhất. Vậy có lẽ những chính sách gắt gao của cô giúp cô thành công.


Vậy bạn N của tôi phải làm thế nào? Tôi nghĩ bạn có thể làm như sau.


Bước 1: Gắn bó với studio và luôn sẵn sàng nhận lớp mới. Cơ hội sẽ luôn đến, có thể ai đó bận, ốm, mệt, hay lâu dài hơn là ai đó rời studio, chuyển đi nơi khác sống, v.v luôn là những cơ hội để mình dạy thay. Từ lớp dạy thay, sẽ dần dần có lớp dạy thường xuyên, dù là 2 tuần một lần cũng được. Điều này khiến học viên quen mặt và nhớ tên của bạn.


Bước 2: Tiếp theo, bạn cần đóng góp về mặt marketing và lan toả trên mạng xã hội cho studio. Khi tới studio hãy đến sớm một chút hay về muộn một chút, dành thời gian quay những clip ngắn để đăng reel hay story trên mạng xã hội, quảng bá cho lớp tập yoga của mình tại studio. Chụp những hình ảnh đẹp để đăng lên, và cũng để lưu giữ sau này có lúc bạn sẽ cần những hình ảnh đó. Khi đăng tải, tag studio vào. Điều này có thể có lợi nhiều hay ít cho studio, nhưng cực kỳ cực kỳ có lợi cho bạn vì có nhiều khả năng học viên của studio nhìn thấy bạn thông qua các bài viết bạn tag studio đó. Nếu học viên đã biết mặt nhớ tên bạn, lại thấy bạn xuất hiện trên newsfeed của họ, họ có nhiều khả năng sẽ follow bạn.


Bước 3: Xây dựng các kênh social media cho đầy đủ thông tin và nội dung. Khi học viên tìm ra bạn trên mạng xã hội, họ có follow bạn hay không tuỳ thuộc vào những gì họ thấy trong profile của bạn.


Bạn chưa cần phải nổi tiếng, xinh gái đẹp trai, chụp ảnh pose dáng đẹp, quần áo tập xịn xò, đu trend tiktok hay gì gì.


Bạn không cần thiết phải xuất hiện trên tất cả các mạng xã hội, chỉ cần những mxh bạn ưa dùng nhất, sau này có thời gian hoặc hứng thú thì mở rộng sang các mxh khác sau.


Trước tiên bạn chỉ cần có 1 trang chuyên nghiệp - professional profile - trong đó có thông tin đầy đủ, họ tên, liên lạc, và các sản phẩm của bạn. Là giáo viên yoga chẳng hạn, thì sản phẩm là các lớp yoga bạn dạy ở các studio, dịch vụ dạy 1-1, workshop, lớp tự tổ chức, vân vân. Mà kể cả bạn mới học xong đào tạo giáo viên, chưa có được dạy nhiều lớp, thì bạn vẫn có thể đăng những hình ảnh, bài viết về yoga, coi như vừa ôn lại kiến thức yoga vừa chia sẻ cho mọi người.


Tôi nghĩ nên có account dành riêng cho công việc. Có rất nhiều người sử dụng chính tài khoản cá nhân để nói chuyện công việc và họ rất thành công và có rất nhiều người follow. Nhưng tôi vẫn thích sự tách bạch giữa công việc và đời sống cá nhân. Trước đây khi tôi mới lập page Hà My Yoga trên Facebook, thật ra là chỉ toàn người quen và bạn bè like page ủng hộ. Nhưng dần dần có nhiều người follow hơn, đăng nhiều content về yoga hơn, thì tôi vẫn có fb cá nhân để liên hệ với gia đình bạn bè và chia sẻ những khía cạnh khác trong cuộc sống.


Một điều tôi cảm thấy tiếc là account Instagram đầu tiên của tôi lập năm 2016, từ một account cá nhân là nơi tôi chụp và đăng những bức ảnh kiểu so deep lưu lại những khoảnh khắc và suy nghĩ vui vui tuổi thanh xuân, lẽ ra tôi nên giữ nó như vậy, nhưng tôi lại chuyển đổi nó thành tài khoản business và chia sẻ về yoga. Dần dần tôi cảm thấy ngộp thở và áp lực về chuyện đăng bài trên instagram, nên tôi lại lập 1 account IG cá nhân để ẩn.


Tóm lại, là bạn cần có 1 địa chỉ online để khách hàng có thể tìm ra, theo dõi và tìm hiểu về bạn. Hãy tưởng tượng bạn dạy yoga rất tâm huyết, có một số người cảm thấy hợp gu muốn follow bạn trên mxh nhưng quá khó để tìm thấy bạn? Hoặc khi tìm thấy thì chỉ là 1 cái fb / ig cá nhân nơi bạn chia sẻ đủ thứ linh tinh thường ngày? Kể cả họ có add friend với bạn thì những gì bạn đăng cũng sẽ chìm nghỉm trên newsfeed và dần dần khách hàng sẽ không còn nhớ bạn là ai.


Vậy tóm tắt 3 bước:

  • Bước 1: nhiệt tình với studio và học viên, nhưng đừng quá trớn mà lộ liễu quảng cáo về bản thân hoặc các hoạt động ngoài studio mà bạn đang dạy. Bước này là để học viên nhớ mặt biết tên mình.

  • Bước 2: nhiệt tình với studio trên mạng xã hội, vừa để quảng bá cho họ vừa reach out tới cộng đồng học viên.

  • Bước 3: xây dựng nội dung cho trang mxh chuyên nghiệp của bạn để học viên có ghé thăm thì sẽ nhận ra, hiểu thêm về bạn và từ đó follow bạn.


Và tôi đã dùng cách này để cuốn hút học viên từ các studio tôi dạy. Khi tôi mở lớp yoga riêng và studio riêng, có rất nhiều người là học viên cũ của các studio đến tập với tôi.


Đôi khi do tính trẻ trâu và háo thắng mà tôi cũng đi quá trớn như đã nói ở bước 1 phía trên. Tôi giới thiệu bản thân hơi quá đà và quảng bá các hoạt động lớp yoga riêng của tôi.


Và tôi thường cảm thấy ái ngại và tự hỏi: Mình có đang đi cướp khách hay không?


Cho tới khi tôi nhận ra một điều:


Không ai có thể cướp khách hàng.


Khách hàng không phải đồ vật vô tri để chúng ta thao túng hay giằng giật.


Khách hàng mới là người lựa chọn có đến với chúng ta hay không.


Chúng ta chỉ có thể tạo ra sản phẩm dịch vụ trải nghiệm tốt nhất trong khả năng và trí sáng tạo của mình. Khách hàng sẽ lựa chọn đến với chúng ta hay không.


Và người khách bỏ studio A để đến với tôi, rồi một lúc nào đó họ lại bỏ tôi để đến tập studio B.


Đó là chuyện hết sức bình thường. Biết đâu sau này tôi có một sản phẩm dịch vụ nào đó khác, những người khách hàng lại quay về với tôi? Rồi họ lại đi? Rồi họ lại quay về?


Hãy để mọi thứ như một dòng chảy, kể cả khách hàng. Dòng nước chảy đi, bốc hơi lên thành mây, thành mưa, rồi lại chảy về. Just go with the flow.


Đây cũng chính là một phần lý do tôi đóng cửa studio, vì áp lực về chi phí, tài chính, công sức và thời gian khiến tôi không thể yêu và hào phóng với khách hàng như vậy được nữa. Tôi cảm thấy mình dần tệ hơn với khách hàng, kiểu như cay cú khi họ không đến tập (xin lỗi khách hàng…🥹). Vậy là tôi cũng sẽ có một khoảng cắt lỗ mới cho tất cả các hoạt động sau này tôi sẽ làm: tôi sẽ dừng lại khi thấy bản thân không thể yêu thương và hào phóng.


Nhân tiện thì cô bạn của tôi đã áp dụng mấy kinh nghiệm này. Cô ấy cực kỳ thông minh và sáng tạo, dần dần có thêm nhiều lớp ở studio. Nhưng cô ấy đã nghỉ dạy studio và tổ chức lớp riêng, cũng chính ở địa điểm mà tôi từng thuê theo giờ để dạy lớp yoga đông vui giá rẻ. Nhưng cô ấy đã làm khác đi, dựa trên những trải nghiệm thất bại của tôi. Tôi sẽ kể cho bạn nghe kỹ hơn ở bài viết sau.



Cảm ơn bạn đã đọc, hẹn gặp bạn ở bài viết sau!





147 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page