top of page

Soulful business - Kinh doanh từ tâm

Hãy chơi một trò chơi này với mình: nói đến từ kinh doanh, bạn nghĩ đến điều gì? Nào 1, 2, 3 :)


Nói đến kinh doanh hay kiếm tiền là nghĩ tới các doanh nhân bận suit, những cái đầu đầy tính toán, các nhà tư bản lọc lõi, những cỗ máy kiếm tiền chốt sales. Những câu nói động lực như phải không ngừng nỗ lực, phải đứng ở vị trí 1% cao nhất, hãy kiếm tiền khi người khác còn đang ngủ. Kiểu như vậy. Thương trường là chiến trường, cá lớn nuốt cá bé rồi thị trường xanh đỏ rồi đối thủ gì gì đó.


Mình đã đọc rất nhiều sách, nghe podcast, xem video, tham gia các khoá học về kinh doanh. Tới mức mình phát mệt và phải bỏ theo dõi hết, mình đem hết đống sách kinh doanh với self help đi cho tặng mọi người. Mình không chê hay phản đối, mà mình chỉ cảm thấy kiệt sức mỗi khi tiêu thụ các content “truyền động lực”.


Nếu bạn làm việc trong ngành yoga hoặc tương tự như mình, chắc bạn hiểu cái cảm giác này. Nghĩ đến kinh doanh hay kiếm tiền, tự quảng cáo bản thân và bán hàng, thấy phát sợ lên được. Vì những điều này dường như đi ngược lại với những giá trị như khiêm tốn, thu vào trong và phụng sự mà chúng ta học được trong 8 nhánh yoga.


Trong gần 2 năm không làm việc, mình cũng thả trôi cho bản thân thích xem gì đọc gì thì xem, không cần ép mình xem về kinh doanh với động lực gì cả.


Và mình nhận rằng xu thế mới trên toàn cầu là Soulful Business - Kinh doanh bằng tâm hồn. Hay mình thích gọi là kinh doanh từ tâm, vì mình rất thích khái niệm “Tâm từ” hay Metta trong Phật giáo.


Đây là một khái niệm nhấn mạnh việc kết hợp tâm hồn, ý nghĩa và mục đích vào hoạt động kinh doanh, thay vì chỉ tập trung vào lợi nhuận.


Một doanh nghiệp “soulful” không chỉ quan tâm đến việc tạo ra giá trị kinh tế, mà còn tập trung vào việc tạo ra giá trị xã hội, môi trường và cảm xúc cho tất cả mọi người liên quan. Các yếu tố cốt lõi của mô hình này bao gồm:


1. Mục đích rõ ràng: doanh nghiệp hoạt động dựa trên một mục đích trên cả lợi ích tài chính.

2. Quan tâm đến con người: đặt con người lên hàng đầu, bao gồm cả nhân viên, khách hàng, và cộng đồng.

3. Tính bền vững: có trách nhiệm với môi trường và con người.

4. Đạo đức kinh doanh: Hoạt động dựa trên các giá trị đạo đức, minh bạch và công bằng.


Nhiều người cho rằng họ “không có đầu óc kinh doanh” nhưng mình tin rằng với cách thức kinh doanh từ tâm này, thì rất nhiều giáo viên yoga sẽ thành công vì tìm được ý nghĩa trong công việc của mình.


Và trên thế giới, càng ngày càng có nhiều người cũng như nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ lựa chọn cách làm này.


Giờ mình có 2 câu hỏi để bạn suy nghĩ:

  1. Bạn muốn kinh doanh như thế nào? Giống ai?

  2. Bạn KHÔNG muốn kinh doanh như thế nào? Không muốn giống ai?

Hãy suy ngẫm về hai điều này. Câu hỏi số 2 không phải để chê bai hay công kích mà là để bạn nhận ra điều gì không phù hợp với bạn.


Mình đang thử thách bản thân dành 3 tuần tiếp theo viết về chủ đề #soulfulbusiness - kinh doanh từ tâm. Thật sự trước nay mình rất quan tâm đến chủ đề kinh doanh nhưng chưa bao giờ dám viết ra hay nói ra vì cảm thấy mình chưa đủ giỏi. Nhưng giờ mình đang dám đây 😊 Các bạn hãy đón đọc những bài viết tiếp theo nhé!

1 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page